Đến hẹn lại lên, tôi bay qua Mỹ dự hội chợ thủy sản ở Boston. Ai cũng biết hiện nay thị trường này đầy biến động. Con tôm đang căng mình ứng xử cho hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD), nay thêm âu lo vì khả năng đầu tháng 4 tới thêm thuế nhập khẩu. Ba xôi nhồi một chõ, khiến ai trong cuộc mà không lo lắng. Lo lắng chỉ thụ động, phải hành động!


Đồng hành còn có Trần Thiện Hải, Trương Đình Hòe và Phạm Hoàng Việt. Chúng tôi tới đây ngoài chuyện buôn bán của từng doanh nghiệp (DN) còn để tìm hiểu thêm thông tin câu chuyện nêu trên, qua đó sớm có cách ứng xử kịp thời và hữu hiệu nhằm góp sức giữ được thị trường lớn nhất của con tôm ta.
Năm nay, đầy ắp gian hàng cho cả hai sảnh liền nhau. Nhớ hơn chục năm trước, sảnh sau được sắp xếp là hội chợ ngành thực phẩm cùng lúc với hội chợ thủy sản gian trên, nhằm tạo ra không gian đông đúc, sôi nổi hơn. Mỗi năm, hội chợ thủy sản càng mở rộng và năm nay chiếm trọn hai sảnh. Góc nhìn từng người không như nhau, có người cho rằng năm nay khách đến ít hơn. Tôi thì nghĩ rằng dàn trải không gian đã góp phần dàn trải khách tới nên nhìn có vẻ giảm “sầm uất”, chớ ít hay nhiều phải đợi Ban tổ chức thông tin mới chắc ăn.
Tôi và các bạn đồng hành tốn hai ngày lang thang trong hội chợ, để nhìn tỏ tường hơn bề nổi, qua đó hy vọng sẽ nhìn rõ bề chìm hoạt động ngành tới đây. Trước đây hội chợ quy tụ DN từ bốn châu, năm nay bất ngờ tôi thấy có gian hàng của quốc gia Mauritania, thuộc Tây phi. Nước này có bờ biển khá dài và đẹp, biển có rất nhiều bạch tuộc cỡ lớn (mà Hàn Quốc và Nhật Bản rất thích) và một “hạm đội” tàu khai thác biển do DN từ Trung Quốc qua tham gia, họ có luôn nhà máy chế biến cá, phục vụ cá tươi cho các nước Nam Âu. Tôi từng tới đây tìm hiểu. Như vậy hội chợ năm nay quy tụ cả năm châu bốn biển! Ghi thêm chi tiết này để thấy độ hoành tráng của hội chợ.
Gian hàng của các DN Việt vẫn chỗ cũ. Năm nay do các DN Việt tham gia khá đông, nên VASEP đăng ký thêm khu mới. Ngoài ra còn các DN Việt đăng ký gian hàng lẻ đan xen với gian hàng các nước khác. DN thủy sản Việt tham gia đông đảo và phong phú đủ loại hình như sản xuất chế biến, thương mại, thiết bị…, đã góp phần để quy mô hội chợ to lớn như nói trên.
Có DN nhiều quốc gia thuê gian hàng chung và chia nhau từng không gian nhỏ, tạo điểm nhấn khá ấn tượng cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia của họ. Điển hình như cụm gian hàng của Ecuador, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Thậm chí Thái Lan như là chỉ có hai DN lớn tham gia, cũng có gian hàng sát nhau là CPF và Thái Union.
Dĩ nhiên các DN Việt theo sự sắp xếp của VASEP đã tạo dựng được hình ảnh Việt Nam xuyên suốt trên hai mươi năm qua, với slogan khá đẹp: Việt Nam - Điểm đến bền vững của thủy sản! Nói tới slogan, chợt nhớ nhiều năm về trước, chắc gần chục năm, hội chợ thủy sản quốc tế Boston và Brussel đầy rẫy những slogan rất ấn tượng. Tôi đã có bài viết ghi điểm nổi bật này trên trang tin VASEP.
Năm nay có khác, ít thấy các khẩu hiệu này, như là chỉ có cụm gian hàng tôm Ecuador quảng bá tôm First class của họ. Rất ít slogan ấn tượng, nhưng bù lại là nhiều dòng chữ xuất hiện khá phổ biến ở các gian hàng các nước, đó là giữ vững môi trường, là khả năng truy xuất nguồn gốc, là phát triển bền vững, là việc kiểm soát cả tiến trình hình thành sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn…
Có lẽ những slogan đầy bản sắc rồi cũng phải tới thực hiện các nội dung nêu trên, chớ nói mà không có hứa làm gì thì cũng chỉ là sáo ngữ, thiếu tính thuyết phục. Ở đây mở rộng một chút, xu thế thế giới và đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng chặt chẽ, khắt khe, khởi đầu từ khu vực châu Âu. Đây là thách thức hay cơ hội, hay cả hai, phụ thuộc tầm nhìn lãnh đạo từng DN. Nhưng điều chắc chắn là không ai có thể đi ngược gió, nhất là gió ngày càng mạnh. Dẫn chứng, IUU không phải là chuyện bị gây khó, mà chính là được cơ hội khép mình vào hướng đi lâu dài, bền vững. Dưới biển đang nỗ lực làm tốt, còn lại là trên bờ, là vùng nuôi, là nhà máy chế biến…
Tổng quan, hội chợ Boston ngày càng tầm vóc hơn. Ở đó, tùy theo khả năng cảm nhận để có thể thấy rõ hơn xu thế, thấy rõ hơn khó khăn (để kịp thời có hướng ứng xử), thấy rõ hơn cơ hội (để kịp thời tranh thủ…) và ít ra cũng có nhiều điểm tốt để học hỏi và điểm chưa tốt để phòng tránh.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN