Mỹ du ký (Bài 4) - Tự do và bảo hộ

Chính phủ ta đã ký nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đa phương. Qua đó các DN có cơ hội tiếp cận thị trường và có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm tương đồng từ các quốc gia chưa có FTA. Nhìn con tôm thấy điểm này rõ nét, khoảng năm 2017 tôm chế biến Thái Lan chiếm lĩnh thị trường EU. Ngay sau đó quốc gia họ mất ưu đãi thuế quan tại đây và năm 2020 nước ta có EVFTA. Từ năm 2017 tôm ta soán dần vị trí tôm Thái và năm năm qua tôm ta đã cơ bản chiếm lĩnh phân khúc tôm chế biến sâu, góp phần để tôm ta chiếm vị trí thứ hai về sản lượng ở đây, sau tôm Ecuador.

Mỹ du ký Bài 4  Tự do và bảo hộ

Tự do thương mại đem lại lợi thế cho DN nào biết đón đầu, có sự chuẩn bị tốt và thông qua các FTA sẽ là cơ hội vàng để vươn tầm. Tuy nhiên, hầu hết các nước tự do thương mại cũng đều có quy định chống bán phá giá. Và đôi khi quy định này không thể hiện đúng vai trò, trở thành bình phong cho việc bảo hộ sản xuất trong nước.

Có ai đó đã nhận định là tuyệt đối các Chính phủ trên thế giới đều quan tâm, chú trọng bảo hộ sản xuất trong nước. Mức độ chính xác không cần bàn ở đây, chỉ là bảo hộ sản xuất trong nước là trách nhiệm (ngầm) của tất cả lãnh đạo quốc gia.

Ngày cuối năm 2003, tôm Việt đã bị nguyên đơn từ Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá (AD). Vụ kiện kéo dài đến nay chưa có hồi kết và nguyên đơn đã tăng lên ba tổ chức. Năm 2023, tôm Việt lại bị kiện ở đây, lần này là kiện chống trợ cấp (CVD). Mức thuế chính thức hiện hành cho hai vụ kiện ở thời điểm này là 0% và 2,84%.  Và theo thông tin đang lan truyền, đầu tháng 4 tới có thể Chính phủ Hoa Kỳ sẽ ban hành mức thuế nhập khẩu cho một số nước, khả năng có Việt Nam. Nếu điều đó xảy ra, con tôm Việt vào Hoa Kỳ cõng oằn vai ba thứ thuế!

Hai loại thuế trên, các DN Việt có thể ứng xử xử lý cùng nguyên đơn và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Còn thuế nhập khẩu là chuyện của hai Chính phủ. Cho nên, chúng tôi qua dự Hội chợ có chuyện cần làm là tìm hiểu diễn biến và khả năng xử lý hai vụ kiện AD và CVD. Chúng tôi đã gặp luật sư tư vấn, nhờ hỗ trợ thông tin và các nội dung khác. Luật sư này đã hỗ trợ VASEP ngay từ đầu khi vụ kiện xảy ra. Hội chợ đông người, không tìm được chỗ làm việc đúng nghĩa, chúng tôi cơ động tìm mấy cái ghế ngồi và băng ngồi ngoài hành lang làm cuộc họp khá quan trọng!

 

Mỹ du ký Bài 4  Tự do và bảo hộ

Mối quan hệ lâu dài nên câu chuyện cởi mở. Thông thường ở vụ việc tương tự trước đây, ngoài Tổng Thư ký Trương Đình Hòe, đồng hành là 3 Chủ tịch, cựu chủ tịch VASEP. Anh Ngô Văn Ích mất rồi, nay chỉ còn tôi và Trần Thiện Hải. Sự đồng hành bộ tứ này từ 2015 và ngay sau đó mức thuế AD của tất cả DN tôm tham gia trong nhóm đã về mức 0%, góp phần đáng kể để giữ vững thị trường Hoa Kỳ từ đó đến nay.

Phía ta đưa ra nhiều vấn đề để được chia sẻ và trao đổi. Chủ công là cựu Tổng Thư ký Trương Đình Hòe, người nắm vững tiến trình vụ kiện trên 20 năm qua cũng như đầy hiểu biết, kinh nghiệm cho các ứng xử sau này. Phía bạn chia sẻ là DOC thay đổi lịch trình nhiều lượt, nhưng đều trong quy định. Phía bạn cũng cho biết kết quả sơ bộ của đợt review thuế AD lần thứ 19 (PR19) sẽ có vào tháng 7 và kết quả cuối cùng có ở tháng 12/2025.

Theo luật sư, sổ sách đã báo cáo của DN tôm ta là bị đơn bắt buộc kỳ này rất tốt. Tình huống TỐT NHẤT bày ra là DOC thiếu nhân lực do thắt chặt chi tiêu Chính phủ, họ không cử người qua Việt Nam kiểm tra thực tế và công nhận theo báo cáo đã có thì tôm Việt giữ vững thuế AD là 0%. Chỗ này không phải viết để tự sướng mà là một khả năng không nhỏ, đã diễn ra bên ngành cá tra. Điều này xảy ra là chuyện vui cho các DN ta trong hoàn cảnh màu xám đang bao quanh. Chờ đợi thôi.

Mà thực ra các DN ta đâu ai bán phá giá cho mất tiền lỗ lã; DN ta đủ tự tin và năng lực giải trình, thuyết phục DOC nếu bên đó có cử người qua kiểm tra thực tế. Ngành tôm Hoa Kỳ giảm sức cạnh tranh so tôm nhập khẩu vì họ nuôi tôm đâu có kết quả tốt như các nước khác, vì cơ sở chế biến của họ nhỏ và đẳng cấp không cao mà thôi. Tiếp ngay theo đó là PR20, DOC có thể công bố DN nào là bị đơn bắt buộc vào đầu tháng 4 tới, nhưng có thể kéo dài tới tháng 6. Theo luật sư, FMC sẽ là một bị đơn bắt buộc cho đợt xem xét này, và điều này nằm trong sự tính toán, chuẩn bị của FMC.

Còn vụ kiện CVD, cuối năm nay sẽ có review lần thứ nhất, lấy hoạt động của DN năm 2024 làm nền kiểm tra. Chuyện này còn thời gian thư thả để tính toán.

Có doanh nhân lạc quan, coi thương trường là cuộc đua marathon trường kỳ, ai không biết phân phối sức hoặc quá yếu sẽ rơi lại bên đường. Số đông coi thương trường là chiến trường! Tình huống kinh doanh ở Hoa Kỳ quả là gian nan. Ngoài chuyện ứng xử với đối tác, còn chuyện ứng xử các vụ kiện đã và đang xảy ra cũng như sắp xảy ra! Nhiều lúc việc lo cho các vụ kiện còn phức tạp hơn chuyện kinh doanh! Vậy thương trường là chiến trường có khác! Xử lý câu chuyện này, không ít DN ta đã có sự tính toán chuyển hướng thị trường. Đây là bản lĩnh của người điều hành DN và chúng ta có niềm tin vào khả năng này.

Thời buổi hiện giờ thế giới rơi vào tình trạng được gói gọn trong bốn từ kép, BIẾN ĐỘNG – BẤT ĐỊNH – PHỨC TẠP – MƠ HỒ. Có người còn cho rằng có một lãnh đạo cực kỳ hùng biện, cực kỳ nổi tiếng đã tích hợp cho mình cả bốn trạng thái trên, khiến vô cùng khó đoán ông ta đang nghĩ gì, sắp làm gì! Không hay, ông ta là người có quyền cao nhất mọi mặt, trong đó có liên quan các vụ kiện nêu trên. Từ đó làm sao đoán nổi sắp tới con tôm ta sẽ về đâu! Lo nhiều cũng không giải quyết được gì, quẳng gánh lo và thong dong chờ thôi!

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Cùng chuyên gia