Con dưới nước và trái trên bờ có gì liên quan? Chỉ là những con số làm liên tưởng, so sánh để có cái nhìn xu thế và cách ứng xử tròn hơn.
Theo thông tin, sầu riêng có sản lượng trên một triệu tấn, diện tích gieo trồng khoảng 150.000 hecta, tập trung ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; 10 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD, góp phần chủ yếu để đưa kim ngạch xuất khẩu củ quả cùng kỳ đạt trên 6 tỷ USD. Dự báo năm nay sản lượng sầu riêng khoảng 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Theo thông tin, sản lượng tôm ta cũng vượt trên một triệu tấn, trên diện tích nuôi khoảng 700.000 hecta, tập trung ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long; 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 triệu USD và kế hoạch năm 2024 là 4 tỷ USD.
Điểm trùng hợp, quý cuối năm, sầu riêng đã hết vụ, chỉ còn một số diện tích không lớn có vụ trái mùa. Con tôm cũng vậy, quý 4 năm nay so mọi năm, nguồn cung tôm thương phẩm ít hơn do tình hình nuôi tôm đang gặp nhiều bất lợi.
Sầu riêng ta đã xuất khẩu tới 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của sầu riêng là Trung Quốc, chiếm hơn 90%. Đối thủ lớn nhất của sầu riêng Việt là Thái Lan, Malaysia, Myanmar…, chỉ là các nước Đông Nam Á. Con tôm ta đã bơi tới tất cả thị trường lớn trên thế giới, đối thủ tôm ta là tôm châu Á, tôm Trung Mỹ…
Kim ngạch sầu riêng đạt chỉ vài trăm triệu đô la/năm. Từ tháng 7/2022 thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa cho loại trái này, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh mẽ, đạt con số tỷ đô la. Năm 2023 tăng lên 2,3 tỷ USD. Như vậy trong hai năm qua tốc độ tăng xuất khẩu sầu riêng tăng bằng lần! Con tôm cũng có giai đoạn tăng tốc nhưng nhìn theo chiều dài, tốc độ tăng trưởng chỉ 5-7% mỗi năm. Cụ thể năm 1978 kim ngạch xuất khẩu tôm xoay quanh 5 triệu USD. Con số này tăng lên 1 tỷ USD năm 2003, 2 tỷ USD năm 2010, 3 tỷ USD năm 2013, hơn 4 tỷ USD năm 2022. Như vậy, cơ bản trên 30 năm con tôm mới đạt mốc 4 tỷ USD, sầu riêng tăng tốc trong vòng vài năm là đạt.
Từ những con số trên cho ta cái nhìn gì, cách gì để học hỏi ưu thế của nhau?
+ Con tôm đã đạt trình độ chế biến sâu, ngưỡng cao thế giới, thu về không ít giá trị gia tăng, có nguồn chia sẻ người nuôi tôm. Sầu riêng, chủ yếu xuất tươi. Lâu dài cần coi trọng nghiên cứu chế biến sản phẩm có thể lưu trữ lâu và gía trị cao hơn. Đây là tiến trình cần nhiều thời gian và bên tham gia có tài chính tốt cũng như nhân lực có chiều sâu.
+ Con tôm có thị phần cân đối ở tất cả thị trường lớn. Khi gia tăng chế biến, sầu riêng có cơ hội tham gia thêm nhiều thị trường, giảm lệ thuộc thị trường lớn, nhằm giảm rủi ro.
+ Tồn đọng của con tôm cũng là bài học tốt cho sầu riêng. Lớn nhất, đó là sớm có chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm. Đó là kiểm soát tốt nhất vùng trồng nhằm giảm thiểu rủi ro về dư lượng quá mức cho phép. Đó là có quy chuẩn ngày càng chặt chẽ các tổ chức tham gia chuỗi giá trị sầu riêng để hạn chế phần nào các cá nhân, tổ chức vì quyền lợi riêng làm ảnh hưởng không tốt thành quả chung. Và cuối cùng là cung cách thanh toán sao hạn chế rủi ro…
Trong bối cảnh năm nay đầy khó khăn cho hầu hết ngành kinh tế, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lại có kết quả tích cực, đi đầu là trái sầu riêng. Tính ra trên cùng diện tích đất, sầu riêng cho giá trị của cải cao gấp nhiều lần so con tôm. Rõ ràng điều này ít nhiều là sự động viên, là nguồn cảm hứng cho các bên tham gia chuỗi giá trị sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Thật ra, con tôm ta đang có những tồn đọng quá lớn, xoay quanh giá thành cao, khó cạnh tranh, khó giữ vững thị phần nếu không sớm cải thiện… Và năm 2024 sầu riêng phơi phới hoàn thành kế hoạch ở tháng thứ 10, còn con tôm ta sẽ rất vất vả về đích. Nhìn sầu riêng thăng hoa, con tôm ta chắc ít nhiều bùi ngùi và đang có một mối sầu riêng!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN