Bộ trưởng Lê Minh Hoan có phát biểu ngành nông nghiệp nước ta còn nặng ba lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Điều đó đang xảy ra không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, mà nuôi tôm đang cùng hoàn cảnh tương tự.
Tồn tại trên dẫn đến khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều; khó ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tăng năng suất nhằm giảm giá thành; khó ứng dụng các quy trình nuôi quốc tế như ASC, BAP; khó trong việc đánh mã số cơ sở nuôi… Quả là ba lời nguyền như một lực cản vô hình khắc chế ngành tôm tăng tốc vươn tầm.
Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có chỉ tiêu tăng trưởng ngành khá cao, gần 8% mỗi năm. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn của toàn ngành. Nhìn các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ; họ đã đạt ngưỡng triệu tấn tôm, đã đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tỷ đô la mỗi năm. Họ có tốc độ tăng trưởng rất cao, nhất là ở Ecuador. Chúng ta nên nhìn họ để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, chú ý diện tích nuôi tôm của họ thấp hơn con số khoảng 800.000 hecta của Việt Nam. Ở đây, tôi nêu ra suy nghĩ về các giải pháp chủ động tăng nguồn nguyên liệu tôm một cách bền vững trên thực trạng hiện nay:
Yếu tố quan tâm đầu tiên là sự đổi mới của mảng nuôi nhỏ lẻ với chuỗi hợp tác mới và quy trình nuôi mới
Sản lượng tôm nuôi của ta có được hơn 90% từ các cơ sở nuôi nhỏ lẻ. Điều đó nói lên vai trò của hộ nuôi hiện nay, dù phân tích việc nuôi nhỏ lẻ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiệu quả nuôi không cao. Chúng ta biết giai đoạn khủng hoảng trong nuôi tôm 2010-2015 đã khiến hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ mất vốn, giấy đất đã cầm ở ngân hàng. Họ chỉ nuôi cầm chừng theo sự đầu tư từ các thương lái trong khu vực. Chính phủ, ngành đã có nhiều giải pháp nhưng không thể vãn hồi tình hình, ngân hàng thương mại không thể cung ứng vốn cho họ vì rủi ro cao, vả lại họ không còn gì thế chấp.
Từ năm 2018 một chuỗi liên kết nuôi mới xuất hiện gồm nhà cung ứng giống, thức ăn, ngân hàng, thương lái và người nuôi tôm. Thương lái chi tiền các hộ nuôi trong khu vực chuộc lại giấy đất từ ngân hàng và thế chấp lại ngân hàng trong chuỗi với giá cao hơn, có dôi ra tiền để đầu tư nuôi tôm. Thương lái sẽ hỗ trợ kỹ thuật làm ao mới, nuôi quy trình mới do nhà cung ứng giống, thức ăn đề ra. Vật tư đầu vào thương lái đầu tư và nhận lại từ tiền bán tôm cuối vụ. Chuỗi hợp tác này diễn ra hơn 4 năm qua, khá thành công. Nhiều nhà cung ứng giống, thức ăn khác hình thành chuỗi tương tự, tạo ra làn gió mới trong nuôi tôm tới tận các vùng khá sâu xa.
Tuy chưa có tổng kết cụ thể, nhưng qua thông tin ao nuôi theo mô hình mới này có tỉ lệ thành công rất cao, trên 90%. Một ao nuôi này mỗi năm thu từ 5-10 tấn, và là nguồn cung ứng tôm nuôi cỡ lớn cho DN tôm mấy năm qua. Hiện nay riêng chuỗi hình thành đầu tiên là C.P đã có trên 20.000 ao hoàn chỉnh và cũng ngần đó ao hoàn chỉnh phân nửa. Nuôi nhỏ lẻ kiểu mới này sẽ có tỉ lệ rủi ro thấp đi và tỉ lệ thành công cao lên. Chắc chắn mô hình này đã góp phần đáng kể để có cái nhìn mới về nuôi nhỏ lẻ. Thiết nghĩ mô hình này cần được cơ quan chức năng quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết, phát huy và ít ra là sự động viên kịp thời, bởi mô hình này trong tương lai sẽ cung ứng lượng tôm nguyên liệu đáng kể, nếu không nói là chủ lực.
Vai trò của nuôi quy mô trang trại trong nỗ lực vươn tầm của toàn ngành
Với mô hình nuôi chuỗi liên kết mới nêu trên ít nhiều thuận lợi cho việc đánh mã số cơ sở nuôi. Đó chỉ mới đáp ứng yêu cầu chung của tất cả thị trường. Nhưng các hệ thống phân phối lớn, cao cấp đòi hỏi cao hơn, nguồn nguyên liệu phải được nuôi theo chuẩn thị trường yêu cầu, thời sự nhất là nuôi theo chuẩn ASC. Các hộ nuôi nhỏ lẻ khó ứng dụng ASC vì chi phí nặng, chỉ các trang trại nuôi quy mô hàng chục, hàng trăm hecta mới cáng đáng nổi chuyện này. Thực trạng nuôi là nhỏ lẻ, manh mún nên vì sao đến nay diện tích nuôi tôm đạt chuẩn ASC còn rất thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi tôm cả nước.
Cái cần cấp bách hiện nay là đất nuôi tập trung, nên chăng có chính sách nới rộng hạn điền để tới đây hình thành thêm hàng trăm, hàng ngàn trang trại nuôi chuẩn ASC, đạt khoảng 10% diện tích nuôi tôm. Riêng các hợp tác xã nuôi tôm đang có chỉ là số cộng các hộ nuôi nhỏ lẻ, chỉ có ích trong việc trao đổi thông tin, phối hợp tìm nguồn cho đầu vào và phối hợp tiêu thụ sản phẩm, chưa có điều kiện để ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để có các lợi điểm như đã phân tích.
Tóm lại, quy mô nuôi lớn, có quy hoạch bài bản mới có điều kiện ứng dụng các thành tựu cuộc CMCN4.0 nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh, sản phẩm có chất lượng đồng đều và nhất là đủ điều kiện để thâm nhập các hệ thống phân phối cao cấp, tiêu thụ giá tốt hơn, góp phần to lớn nâng tầm tôm Việt. Thiết nghĩ, chính sách nới rộng hạn điền trong nuôi tôm có sớm, tôm từ các trang trại sẽ là nguồn cung lớn thứ hai cho các DN tôm và là lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất nâng tầm tôm Việt.
Vai trò của mô hình tôm rừng, tôm lúa
Tôm rừng, tôm lúa cũng là nguồn cung đáng kể, có thể đạt tới hàng trăm ngàn tấn hàng năm. Tôm từ nguồn này có thể xây dựng thương hiệu riêng mang lại lợi ích cho người nuôi lẫn DN. Tuy nhiên, theo hoàn cảnh, DN nào gần vùng nguyên liệu sẽ có lợi thế hơn. Việc xây dựng thương hiệu tôm rừng, tôm lúa chắc cần có sự tham gia của DN lẫn cơ quan chuyên môn, bởi triển khai việc này không dễ do sản lượng tôm từ các nguồn này khá bấp bênh. Bấp bênh trong tôm rừng là khó chủ động kiểm soát thu hoạch, bấp bênh trong tôm lúa là sản lượng từng ao thấp, việc thu gom sẽ khó khăn.
Giải pháp cơ bản thúc đẩy cho các mô hình nuôi nêu trên
Ba nguồn cung tôm nguyên liệu nêu trên là trọng điểm trong tương lai. Nhìn về hiện tại thì nguồn cung từ nuôi nhỏ lẻ manh mún vẫn còn là chủ lực. Người nuôi nhỏ lẻ đối diện rủi ro rất cao là do nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch, nên tình trạng nuôi thiếu nước nuôi và không nơi xử lý nước thải nên xả ra kênh chung khiến tôm dễ nhiễm chéo là phổ biến. Ứng xử vấn đề này thiết nghĩ việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi là hết sức cần thiết và cấp thiết. Kinh phí có hạn, tập trung vùng trọng điểm. Cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là thủy lợi, kế tiếp là điện và đường. Tỉnh Bạc Liêu làm rất tốt, hệ thống kênh dẫn nước biển nuôi tôm được đào sâu, mở rộng với quy mô lớn, thiết nghĩ là bài học cho các tỉnh có nuôi tôm còn lại.
Kết luận
Tóm lại, nguồn nguyên liệu tôm cho DN chế biến trong tương lai ngoài việc linh hoạt, chủ động từ người nuôi và các thành viên tích cực tham gia chuỗi nuôi còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan chức năng. Đó là tạo sự thông thoáng trong cơ chế hình thành các trang trại nuôi quy mô lớn, có tác dụng dẫn dắt toàn ngành trong việc nâng cao sức cạnh tranh với các cường quốc tôm thế giới; đó là sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm để nâng cao hiệu suất nuôi tốt hơn. Có như vậy, tôm Việt mới đạt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đã đề ra và nâng cao khả năng vươn tầm hàng đầu thế giới.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN