Cụm từ “Đi ăn dạo…” do các “tiểu thư” nhà ta cảm tác ra, trên nền tảng lấy hình ảnh đầy sinh động những ngày diễn ra hội chợ, nhất là lúc vắng khách hoặc lúc cao điểm giờ cơm. Các “tiểu thư” từ các gian hàng DN nhà ta tạm rời gian hàng đi dạo quanh những khu vực nào có nhiều hàng mẫu mời khách ăn thử! Lợi ích của việc đi dạo là vô số kể, sẵn tôi nêu ra đây, sau khi đã tận mục sở thị mắt thấy tai nghe và tôi chỉ thêm vô chút gia vị cho thêm hấp dẫn!
Nhiều DN lớn, hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh, chi phí marketing cho đầu bếp phục vụ tại chỗ khách vãng lai tại các hội chợ có thấm thía gì. Có rất nhiều DN như vậy. Cho nên đi ăn dạo sẽ thưởng thức được hương vị ẩm thực năm châu bốn biển, mà toàn đồ ngon. Chắc chắn là vậy, bởi ai mời khách đồ không ngon, chỉ tốn công tốn tiền mà phản tác dụng! Thứ hai là thực đơn cực kỳ phong phú khó có nhà hàng nào đảm đang, được tự chọn và không tốn tiền! Thứ ba là không mất thời gian chờ đợi hàng dài như tại các quầy ăn hội chợ khi đến giờ cơm trưa! Thứ tư là có ăn nhiều cũng không ai biết, khỏi lo mắc cỡ, bởi nhóm đi ăn dạo toàn là tiểu thư! Quan trọng nhất, thứ năm là nắm bắt tình hình, xu thế khẩu vị người tiêu dùng, nắm bắt mẫu mã chế biến… Từ đó ít nhiều tạo nền định hướng cho sách lược sản phẩm mới của DN mình. Tôi lấy chuyện “đi ăn dạo” để kết nối nội dung đáng lưu tâm hơn, dưới đây.
Tại hội chợ, tôi gặp không ít khách hàng. Gần như khách hàng đều có phản hồi khá tương đồng. "Tôm Việt nói chung và nhất là tôm DN chỗ tôi có chất lượng rất tốt nhưng giá cả quá cao!", "Tôm Indonesia trước đây giá cũng cao, nay họ đã cho giá mềm cạnh tranh tôm Ấn Độ, chỉ còn giá tôm Việt là khó thuyết phục người tiêu dùng!". Ta tự hào tôm ta bán giá cao nhất so giá tôm các nước bán vào Hoa Kỳ. Chiều ngược lại, thị phần tôm họ tăng, dĩ nhiên tôm ta giảm, ráng lắm duy trì từ 10% còn 8-9% là quá quý rồi!
Vấn đề đặt ra là chúng ta có sách lược gì cho sắp tới, khi xu thế là thất thế? Giải pháp là nâng cao trình độ chế biến, là đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và giữ vững khúc thị phần cấp cao. Nhưng điều lưu ý là tất cả những sản phẩm làm ra này trên nền tảng sử dụng tôm thương phẩm nguyên liệu giá cao. Giá cao vừa phải thì không sao, cao cả 1-2 USD/kg quả là rắc rối! Tôi chú ý coi các catalog giới thiệu sản phẩm các DN nhà trưng bày tại hội chợ. Sự đa dạng hóa sản phẩm rất rõ nét. DN chế biến tôm giờ làm thêm há cảo, xíu mại…; DN cá làm thêm nông sản, thêm bánh… Và tất cả là hàng chế biến cao. Và giá cũng cao! Làm sao giải quyết được vấn đề? Kết nối với chuyện “đi ăn dạo” để ít nhiều nắm bắt thị hiếu, xu thế người tiêu dùng, mẫu mã sản phẩm cũng là một cách. Nhưng tất cả suối, sông đổ ra biển; tất cả các giải pháp trên cần giải pháp căn cơ, bền vững là GIẢM GIÁ THÀNH TÔM NUÔI. Đây là câu chuyện rất cũ và rất thời sự!
Ecuador đã dũng cảm, đóng cửa nhà máy, bỏ việc nuôi tôm nhiều năm để lao vào nghiên cứu gia hóa tôm bố mẹ theo góc nhìn của họ. Tôm bố mẹ chất lượng cao và quy trình nuôi bền vững khiến họ trở thành giai thoại thế kỷ 21 này trong lĩnh vực con tôm, tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm khiến sản lượng cao hàng đầu thế giới với giá thành rẻ nhất thế giới.
Còn ngành tôm chúng ta có thể là quá cẩn trọng. Chương trình gia hóa tôm bố mẹ, cá tra chắc đề ra cả hai thập kỷ rồi nhưng vẫn còn mò mẫm đường đi, thể hiện kết quả còn khiêm tốn về chất lượng lẫn số lượng! Chiến lược nuôi cũng không rõ ràng, khiến các địa phương, các trang trại, các hộ nuôi thật sự tự do đến tùy tiện trong việc đề ra các quy trình nuôi, không có chọn lọc kỹ lưỡng, và không cập nhật kịp thời với diễn tiến tình hình dịch bệnh, khiến tỉ lệ nuôi thành công chậm được cứu vãn.
Ecuador, cả nước gần như cơ bản một quy trình nuôi, thả thưa, coi trọng sức tải của môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, quy trình này ngành nuôi tôm chúng ta khó học hỏi, chỉ trừ vùng nuôi thưa ở Cà Mau và Bạc Liêu, hai địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước; chỉ riêng diện tích nuôi của Cà Mau còn lớn hơn diện tích nuôi cả nước Ecuador (220.000 hecta). DN tôm lớn nhất của họ đã có 17.000 hecta nuôi tôm; hai DN tiếp theo tương đồng, có khoảng 10.000 hecta. Với họ nuôi 10 hecta là nuôi nhỏ. Trong khi phổ biến nuôi ở ta trong khoảng 2-3 hecta, thậm chí nhỏ hơn theo xu thế tách thửa chia cho con cái trong từng hộ gia đình. Họ khuyến khích tích tụ đất đai cho nuôi lớn, thuận tiện tổ chức nuôi hoàn chỉnh, dễ trang bị cơ giới…
Luật đất đai chúng ta đã có điều chỉnh, tuy nhiên tích tụ đất đai ở ta rất khó trong thực tế. Từ đó, ít nhiều hạn chế việc hình thành trang trại nuôi lớn, có thể áp dụng chuẩn nuôi theo yêu cầu (ASC) để thu hút người tiêu dùng. Và hơn nữa, nuôi quy mô lớn mới có điều kiện tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Tóm lại, tôm bố mẹ tốt, quy trình nuôi phù hợp thực tế, tích tụ đất để tăng quy mô nuôi là những nội dung để tháo gỡ giá thành tôm nuôi nêu trên.
Trong thực tế, các DN tôm gặp khó vì giá thành tôm của mình cao, khó cạnh tranh; nên phải tìm đường cứu mình, thông qua nhập tôm nguyên liệu giá rẻ từ các nước để chế biến, duy trì hoạt động, giữ chân người lao động. Có người cực đoan cho rằng việc nhập khẩu này là tác nhân làm giá tôm thương phẩm trong nước xuống thấp. Xin thưa, giá thương phẩm trong nước thấp như vậy, các DN đó còn chịu không nổi, mới xài hạ sách nhập tôm, chớ thực tình cách đó đâu bền vững, đâu ai muốn.
Từ đó, cho thấy cần đánh động mạnh hơn thông tin tôm giá rẻ các nước đang ra sao để người nuôi tôm chúng ta có ý thức hơn trong tính toán vụ nuôi giảm thiểu rủi ro; đánh động mạnh hơn để các vị có trách nhiệm có ý thức hơn trong việc đề ra chiến lược cho lâu dài và cần nhất là sách lược trước mắt; ít ra là tăng cường giải pháp kiểm soát con giống trong thời điểm này. Thật ra, chiến lược, sách lược, giải pháp đã có rồi; nhưng diễn biến trong thực tế nhanh quá, sự tiên liệu chưa trọn, khiến mức độ khả thi thấp.
Nhìn lại hiện nay, phía sau không có gì to tát làm nền tảng cho cú hích; phía trước là núi cao trùng trùng! Ngành tôm mình quả là gay go, nhất là đang được “khuyến mại” mấy loại vi khuẩn gây bệnh tôm chưa có thuốc chạy chữa thỏa đáng, dù cơ quan chức năng đã hết sức lo lắng, triển khai nhiều hội thảo tìm hướng ra! Không lẽ ngồi chờ sung rụng, ngoài chuyện ứng phó mang tính chất chưa hẳn bền vững (bền vững là phải giám giá thành tôm nuôi); thôi, trước mắt, các DN cứ cử nhiều “tiểu thư” đi ăn dạo tất cả hội chợ thủy sản lớn nhỏ trên thế giới; và trên nền tảng biết mình biết người (dù chưa biết là biết bao nhiêu) mà liệu cơm gắp mắm! Gắp mắm thôi, vì gắp tôm khó quá, bởi giá cao! Còn tôi thì chỉ biết viết bài ca thán theo cái nhìn cá nhân, nhưng thiết nghĩ có còn hơn không, bởi ít ra còn qua đó tự động viên mình! Cố lên!
Boston, tháng 3/2024
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN