Thách thức mới trong dự báo

Chính phủ dự kiến năm nay nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, quanh mức 8%. Thành quả này ngoài mong đợi, mang lại niềm vui, sự tự tin và thêm nguồn năng lượng cho công việc sắp tới.

Chú thích ảnh

Hòa trong thành quả chung, ngành nông nghiệp cũng có rất nhiều con số ấn tượng, đáng khen, nhất là kim ngạch xuất khẩu cũng như chủng loại mặt hàng được cấp phép xuất khẩu ngày càng nhiều. Thách thức đang cận kề nhất là ngành đang dốc sức cho việc chấn chỉnh, hoàn thiện các tiêu chuẩn tàu đánh bắt nhằm giải trình thoát khỏi thẻ vàng IUU. Chủ lực ngành thủy sản là tôm nuôi nước lợ và cá tra. Mối nguy từ chiến tranh Nga – Ukraine trở thành cơ hội để các tra bơi thẳng sức. Bởi cá đối thủ là minh thái, Nga khai thác vùng eo biển Bering đang bị khối EU cấm vận, thị trường giảm sức cung cá thịt trắng nên cá tra bán đắt hàng.

Riêng tôm nuôi năm nay bị dịch bệnh khá nặng, mức cung không như dự kiến. Bất ngờ nhiều thông tin bất lợi dồn dập, chủ yếu là tôm Ecuador vừa giá rẻ vừa trúng mùa rất tốt. Tôm này tấn công mạnh cả thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu và nhất là Trung Quốc. Nếu trước đó, chúng ta chỉ e dè tôm Ấn Độ giá rẻ, tôm Indonesia không thuế chống bán phá giá, tôm hai nước này chiếm khoảng 60% sản lượng tôm nhập vào Hoa Kỳ, nay thêm tôm Ecuador, thị trường Bắc Mỹ ngày càng khó với con tôm Việt.

Khó khăn này được dự báo từ năm 2020 khi nhận thấy số liệu sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao. Hiện nay ngành tôm Ecuador có những thế mạnh như con giống quốc gia gia hóa kết quả tốt, giá thức ăn tôm thấp do gần vùng cung ứng nguyên liệu (đậu nành, bột cá nhập từ các nước Nam Mỹ), chính quyền trợ giá xăng dầu, nuôi quy mô trang trại đạt chuẩn ASC khoảng 20% diện tích nuôi nên tôm dễ thâm nhập Tây Âu. Và nhìn chung các nhà đầu tư trong lĩnh vực con tôm là các gia tộc có vốn lớn để sớm cơ giới hóa, tự động hóa từ khâu nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Doanh nghiệp tôm lớn nhất của họ có doanh số 1 tỷ USD.

Nút thắt ngành tôm Việt là giá thành nuôi tôm cao. Nguyên nhân do tỉ lệ nuôi thành công thấp. Tỉ lệ nuôi thành công phụ thuộc chất lượng con giống và nguồn nước nuôi. Ta có con giống tốt (tuy của nước ngoài tiêu thụ ở Việt Nam) nhưng độ phủ chưa rộng và quá nhiều cơ sở cung ứng tôm giống, khó kiểm soát chất lượng đầy đủ. Thủy lợi nuôi tôm cũng dạng khấp khểnh do gốc từ nuôi tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.

Điểm còn bất lợi ngành tôm Ecuador là trình độ chế biến chưa cao. Nhưng họ đâu dừng lại. Họ có tiền, đang đầu tư các nhà máy hiện đại. Thiếu lao động thì cho phép nhập cư. Nếu diễn tiến dự tính của họ thuận lợi, chỉ vài năm thôi, tôm Việt sẽ bị bỏ lại phía sau, cơ bản do giá cả khó cạnh tranh. Chúng ta phải có sách lược ứng xử hữu hiệu và kịp thời.

Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã công bố đầu năm 2021 nhưng đi vào hiện thực vô cùng chậm, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu thiếu tiền. Bây giờ những việc gì có thể làm ngay thì ưu tiên. Đó là quy hoạch rõ các vùng nuôi trọng điểm từng địa phương và đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ yếu là thủy lợi khi nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Đó là quy định chặt chẽ và quản lý kiểm soát tôm giống thực chất hơn, hạn chế tối đa tôm giống kém chất lượng lưu thông, mua bán trên thị trường. Đó là xem xét hạn điền và các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm để có nhiều trang trại lớn đạt chuẩn ASC. Tôm nuôi đạt ASC chính là giấy thông hành để tận dụng EVFTA. Đó là chúng ta phải tìm hiểu ngành tôm Ecuador để xem học hỏi ngay được gì nhằm làm giảm bất lợi và tăng lợi thế cho mình.

Lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm; khủng hoảng khí đốt và năng lượng khiến chi phí lưu kho ở Tây Âu tăng cao. Những bất lợi này thêm cộng hưởng khó khăn từ tình hình cạnh tranh khốc liệt nêu trên khiến con tôm ta khó bơi thoải mái những tháng tới đây, thậm chí tới giữa năm sau. Chắc chắn sẽ có doanh nghiệp tôm gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp vốn tự có thấp khi vòng quay vốn bị chậm lại. Chắc chắn VASEP phải có tập hợp tình hình và có báo cáo lên ngành, Chính phủ để trên sớm có quyết sách sớm đồng hành, tiếp tay ngành sớm vượt qua khó khăn không nhỏ này.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia