Ngày 27/11 vừa qua Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp Sở NN&PTNT Sóc Trăng tổ chức tại Sóc Trăng Hội thảo tham vấn với chủ đề Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi.
Thành phần tham dự khá phong phú, từ Cơ quan chức năng, Viện trường, các nhà khoa học, các nhà nuôi tôm thành công, các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, các người nuôi tôm và đại biểu các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở miền Tây.
Cục Thủy sản đưa ra định hướng phát triển tôm nước lợ tới đây; các đại biểu đưa ra giải pháp giảm giá thành tôm nuôi; giải pháp phòng trị bệnh EHP cho tôm nuôi… Song song là các mô hình nuôi, các kinh nghiệm nuôi tôm của các cơ sở ở mùa thuận, mùa nghịch. Điều khá lý thú là các cơ sở nuôi tôm nổi tiếng có những trao đổi khá phong phú. Như phòng trị bệnh EHP từ cơ sở nuôi của Cleanfood; giải pháp nuôi căn bản theo quan điểm của Sao Ta khác hẳn so với những gì bình thường đang diễn ra; kinh nghiệm làm hệ thống ao tiết kiệm và sử dụng vật tư tiết kiệm của một mô hình nuôi ở Bạc Liêu…
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân điều hành hội thảo, đã có dẫn dắt kết nối các ý tưởng rất thấu đáo. Chúng ta ngồi đây để lắng nghe và tùy tình hình mà có học hỏi, vận dụng theo hoàn cảnh cụ thể khu nuôi của mình, không có một mô hình nào hoàn thiện cho tất cả. Cách nhìn và thực thi của Sao Ta tuy khác biệt nhưng cũng có cái lý của nó. Thí dụ hiện nay vi khuẩn EHP tấn công ao nuôi khá trầm trọng thì các tháp cung ứng oxy đáy cho tôm nuôi sẽ đánh vụn phân tôm và thức ăn dư thừa, góp phần khuếch tán nguồn vi khuẩn trong ao, gây tăng nguy cơ cho ao tôm. Thậm chí các tháp oxy cũng là cứ điểm cho vi khẩn trú ngụ. Cho nên tùy hoàn cảnh mà ứng dụng, không cứng nhắc, sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng lợi ích thiết thực…
Nội dung hội thảo trong không khí thân mật, gần gũi đã có sức lan tỏa lẫn thuyết phục. Nhiều đại biểu đã coi đây là một hội thảo thành công thực sự so với nhiều hội thảo mang tính lễ nghi, hình thức.
Tôi không chuyên về bệnh tôm, chỉ có kiến thức cơ bản về hệ thống ao nuôi và nuôi, kiến thức về chế biến và sức cung cầu thế giới, nhưng qua hội thảo này hiểu biết của tôi về ngành tôm có thêm chút thông tin và cái đáng ghi nhận là cảm xúc khá thú vị.
Mọi sự vật đều đang chuyển động, hình thức các buổi họp long trọng đầy sáo ngữ tôi phát chán rồi. Thời gian để nghe “kính thưa…” mất không ít quỹ thời gian của mình. Tôi cần một sự cởi mở và chất lượng thực, chứ không muốn “chứng kiến” các diễn giả ồn ào để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kỳ báo cáo!
Tôm nuôi đang gặp khó không nhỏ. Tình hình tôm nuôi ở miền Tây đang u ám, ai cũng biết. Năm nay thời tiết cuối năm không lạnh, các hộ nuôi tôm miền Tây có cơ hội nuôi mùa nghịch phục vụ nhu cầu tết, cải thiện thu nhập, nhưng cơ hội đó không đến vì e ngại dịch bệnh chưa có phương cứu chữa.
Hiện nay lượng tôm thương phẩm lưu thông không nhiều, các doanh nghiệp (DN) chế biến chỉ nhận lượng tôm nguyên liệu hàng ngày chắc chỉ bằng nửa so các năm bình thường. Nguyên nhân là đơn hàng không có nhiều. Xuất phát vì túi tiền người tiêu dùng và mức cung ứng tôm giá rẻ từ một số nước, tiêu biểu nhất là Ecuador. Thời điểm này các đơn hàng ít ỏi đang được các DN tôm ta chào bán bị phía khách hàng chê là đắt từ 1-2 USD/kg so các giá chào từ tôm nước khác. Với giá chào đó, các DN không có chút đồng lời nào, thậm chí lỗ nhẹ chỉ nhằm tìm chút việc làm cho người lao động, khi xuân về tết cận kề, người lao động cần có thu nhập để chi tiêu tết.
Gốc rễ là giá thành tôm nuôi của ta cao quá. Các nước nuôi tôm khác đang nỗ lực giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh thì tôm nuôi ta bị bệnh tấn công khiến tỉ lệ thu hồi thấp. Buổi hội thảo tham vấn này ở cuối mùa mang lại nhiều kinh nghiệm, mô hình hay để người nuôi tự lựa chọn cái phù hợp cho mình, nó mang ý nghĩa tích cực để người nuôi thêm chút an tâm vào vụ nuôi mới. Cái mong là chuyển được thành quả từ hội thảo sớm tới ao nuôi. Khoảng cách đó cũng không ít trở ngại, nhất là vốn đầu tư quá hiếm hoi.
Tôi có suy nghĩ, các chuỗi liên kết hiện nay tạo ra các mô hình nuôi đã có kết quả hết sức tốt thời gian qua, đáng biểu dương. Các chuỗi này có liên quan lượng hộ nuôi không nhỏ, tạo ra sản lượng tôm khá cao. Nhưng sự biến động của hoàn cảnh đang quá lớn, lúc này cần nhìn nhận nghiêm túc cần thiết có sự điều chỉnh trong quy trình nuôi làm sao giảm thiểu rủi ro như khu nuôi Sao Ta đang thực hiện. Không đánh giá đúng sai nhưng khu nuôi Sao Ta có tỉ lệ thành công cao liên tục nhiều năm là một minh chứng có sức thuyết phục cao. Song song là sự nỗ lực của các cơ sở cung ứng tôm giống, không để tôm giống có mang mầm bệnh lưu thông tiêu thụ. Đây cũng là một việc cần quan tâm nhiều hơn của cơ quan chức năng. Tất cả nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau để nâng cao tỉ lệ nuôi thành công, giải quyết nút thắt cổ chai của chuỗi ngành hàng tôm hiện nay.
Có lẽ từ nay đến khi vào vụ nuôi mới năm 2024, cũng cần thêm nhiều cuộc hội thảo có ý nghĩa như vậy, nhất là cập nhật tình hình diễn tiến bệnh tôm và giải pháp phòng trị có hiệu quả, để giúp người nuôi tự tin hơn trên bước đường sắp tới. Bởi “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, một mắt xích quan trọng chuỗi giá trị con tôm suy yếu không cứu chữa kịp thời, cả ngành tôm sẽ lao dốc theo!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN