10 hiệp hội ngành hàng bàn giải pháp sớm tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động

Chiều ngày 28/5/2021, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 10 hiệp hội ngành hàng để thống nhất kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ về giải pháp sớm đưa nguồn vaccine Covid-19 về Việt Nam và tiêm chủng cho người lao động.

10 hiệp hội ngành hàng bàn giải pháp sớm tiêm vaccine Covid19 cho người lao động

Doanh nghiệp sẵn sàng chia lửa cùng Chính phủ

Theo ông Nguyễn Hồng Uy - Đại diện ban tổ chức, ở Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát nên cần tiêm chủng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, theo nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ kinh tế. Từ đó, chia các đối tượng cần tiêm làm 3 mức độ ưu tiên: Ưu tiên 1 (đỏ): Khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh hàng thiết yếu có trên 500 công nhân, ở tại các vùng có nguy cơ cao hoặc trung bình; ưu tiên 2 (vàng): Khu công nghiệp lớn - DN lớn ở nơi nguy cơ thấp, khu công nghiệp nhỏ và vừa-DN cỡ trung ở vùng nguy cơ trung bình; các DN nhỏ lẻ, hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao; ưu tiên 3 (xám): Các đối tượng còn lại. Như vậy, vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát dịch bệnh tối đa, mà vẫn bảo vệ được kinh tế.

Về phương thức tiêm, ngân sách Nhà nước không thể chi trả được hết cho mọi người dân. Do đó, bên cạnh tiêm miễn phí cho người lao động có thu nhập thấp, Chính phủ cho phép xã hội hóa để tiêm vaccine tính phí với các đối tượng có thu nhập cao, các tập đoàn lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tự nguyện trả phí để tiêm vắc xin cho nhân viên.

“Đặc biệt, ngoài 110 triệu liều vắc xin Chính phủ đã đặt mua, cho phép các DN tự tìm mua thêm các nguồn vaccine khác để nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân”, ông Uy nói.

Tại toạ đàm, hầu hết đại diện các hiệp hội ngành hàng đều cho biết, DN đồng ý và sẵn sàng tham gia mua và tiêm vaccine cho người lao động. Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: Nguy cơ DN phải dừng sản xuất bởi sự lây lan của dịch bệnh là rất lớn. Riêng ngành dệt may, hiện đã có 45 DN phải tạm dừng sản xuất từ 2 tuần nay mà vẫn phải trả lương cho người lao động. Hàng loạt nhãn hàng cũng đã đưa ra thông tin, nếu không thực hiện đơn hàng đúng hạn DN phải giao hàng bằng máy bay- có nghĩa chi phí sẽ đội lên rất lớn. “Hiện một số DN lớn ngành dệt may có đầu mối muốn kết nối với Chính phủ giới thiệu để nhập vaccine về Việt Nam. Bên cạnh đó, những DN có khả năng tài chính, DN xin được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền ra mua, tiêm vaccine cho người lao động”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ.

Cũng nhấn mạnh DN ngành thuỷ sản sẵn sàng bỏ kinh phí mua và tiêm vaccine cho người lao động, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam chia sẻ: Trong gói vaccine Chính phủ đang đàm phán đưa về Việt Nam, cộng đồng DN mong muốn đóng góp chi phí mua và tiêm cho người lao động. Dù vậy, số vaccine đó dự kiến vẫn không đủ cho lực lượng lao động tại các ngành hàng nên đề nghị Chính phủ cho phép mở thêm kênh tìm nguồn vaccine để nhập khẩu, dưới sự kiểm soát của Bộ Y tế. “Chiều ngày 25/5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam đã họp và các DN thành viên rất sốt sắng, muốn mua luôn và tiêm miễn phí vaccine cho người lao động. Chúng tôi cũng đã đề xuất mua 500.000 liều trong gói vaccine Chính phủ đàm phán đưa về Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Tại toạ đàm, đại diện của các hiệp hội ngành hàng khác như da giày, điện tử, công nghiệp hỗ trợ… đều truyền tải thông tin, cộng đồng DN sẵn sàng chia lửa cùng Chính phủ trong việc tìm kiếm, mua và tiêm vaccine cho người lao động. “Hiện đã có DN sẵn sàng đứng ra kết nối với các nhà sản xuất vaccine. Họ chịu trách nhiệm đưa hàng về tận Việt Nam, sau khi được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn mới thanh toán. Như vậy, nếu Chính phủ mở ra cơ chế cho phép khu vực tư nhân tham gia tìm kiếm, quá trình tiếp cận nguồn vaccine cho Việt Nam sẽ nhanh chóng hơn so với hiện nay” bà Đỗ Hồng Hạnh- Thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất.

Cần một kế hoạch rất cụ thể

Có thể thấy, cộng đồng DN trong nước sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ trong việc tìm kiếm, mua vaccine tiêm cho người dân, người lao động. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam: Chúng ta cần tính xa hơn một chút. Khi vaccine về Việt Nam, quá trình tiêm sẽ diễn ra thế nào. Cho dù, chiến lược tiêm vaccine của ông Nguyễn Hồng Uy đề xuất rất khoa học nhưng vẫn cần kế hoạch thực thi rất cụ thể.

“Ngành dệt may, da giày cũng mong muốn tiêm chủng cho người lao động càng sớm càng tốt nhưng bắt đầu từ đâu. Hiện chúng ta mới đang ưu tiên cho khu vực tâm dịch. Tiếp theo là đơn vị nào, địa phương nào, đối tượng nhà máy nào sẽ được tiêm. Chúng tôi rất bối rối”, bà Xuân chia sẻ.

Ông Vũ Tú Thành- Trưởng Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ- ASEAN cũng đồng tình: Phân phối vaccine là một trong ba thách thức của Việt Nam hiện nay. Nguồn cung vaccine đang nhỏ giọt bắt buộc phải ưu tiên. Tuy nhiên, khi vaccine về với số lượng lớn sẽ gặp phải thách thức tiêm chủng hàng loạt như thế nào để tránh tình trạng hết hạn sử dụng. Việc hết hạn có thể xảy ra cục bộ ở một vài địa phương. Với kinh nghiệm của DN FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, DN FDI nên có đề xuất giải pháp với Chính phủ để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, với thách thức về nguồn cung và kinh phí mua vaccine, theo đại diện Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ- ASEAN, DN FDI sản xuất dược, sản xuất vaccine đang hoạt động tại Việt Nam tác động công ty mẹ ưu tiên nguồn cung và giá vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Ở cấp độ cao hơn, tác động tới Chính phủ của mình để có chính sách ưu đãi, điều nguồn cung tới Việt Nam. Về kinh phí mua vaccine, tuỳ khả năng của DN có thể theo 2 mức, gồm: Mức sàn là DN tự mua vaccine, tiêm cho người lao động; mức cao hơn có thể thực hiện mức sàn cộng với khoản đóng góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 mới được Chính phủ thành lập.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM