(vasep.com.vn) Ngày 2/1/2025, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 2/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau khi làm việc với các Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận:
Thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần: tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện, doanh nghiệp, địa phương
Công tác ngoại giao kinh tế năm 2025 phải có trọng tâm, trọng điểm, phải bài bản hơn, thực chất, tạo đột phá, trong đó bám sát những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế số...); xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam, tăng nội hàm khoa học, công nghệ trong phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn, phát triển thị trường cạnh tranh bền vững.
- Tiếp tục thiếp lập các khuôn khổ pháp lý, xác lập, nâng cấp quan hệ với một số đối tác quan trọng; thúc đấy kỳ kết các FTA mới với các thị trường có tiềm năng ở khu vực
- Tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác (thị trường Halal, Châu Phi, Nam Á, Châu Mỹ Latinh...).
- Tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các đối tác: (1) vận động Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; (ii) thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế của khẩu, kết nối giao thông, triển khai quyết liệt 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; (iii) hợp tác với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; (iv) vận động EU gỡ thẻ vàng IUU đổi với thuỷ sản Việt Nam.
- Nâng cao công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu phát triển của đất nước để kịp thời kiến nghị chính sách phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ứng phó biến đổi khí hậu....
- Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đây mạnh công tác đánh giá thị trường và tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả.
Các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
- Bộ Ngoại giao: (i) tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025; (ii) tạo đột phá trong thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, bán dẫn, AI...
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: (i) đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng (thị trường Halal, châu Phí, Nam Á, châu Mỹ Latinh...); (ii) tích cực triển khai các các FTA đã ký kết, thúc đẩy khả năng đàm phán FTA các thị trường có tiềm năng ở khu vực Trung Đông (Ca-ta, A-rập Xê-út,...), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); (iii) tận dụng hiệu quả khuôn khổ quan hệ mới thiết lập (như với UAE, Brazil, Dominica...) để cụ thể hoá các cơ hội hợp tác, thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế - thương mại có tính đột phá, dẫn dắt, mở đường với khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh; (iv) Tăng cường tổ chức các hoạt động hội nghị xúc tiến, kết nối và quảng bá thương mại giữa Việt Nam và các nước.
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức visa tương ứng với từng đối tượng để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và du lịch.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng lại cơ chế chính sách cấp phép cho lao động nước ngoài theo hướng giảm thủ tục hành chính, nhanh, hiệu quả hơn, không để kéo dài như vừa qua.
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành hàng không phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hoá.
- Các bộ, ngành, địa phương liên quan: (i) nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, đặc biệt là các giải pháp mới, đột phá trong huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...; (ii) tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch và định hướng cho phát triển.
Thông báo số 2/TB-VPCP ngày 2/1/2025