(vasep.com.vn) Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Khái niệm rộng hơn: Đạo đức là hình thái ý thức xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc và làm giàu tính người trong các quan hệ xã hội, kể cả trong các quan hệ chính trị, tư tưởng.
Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn. Một người sống và làm việc trong môi trường cụ thể nào đó sẽ có thêm những chuẩn mực đạo đức bổ sung cho mình, hình thành các khái niệm cụ thể hơn như đạo đức cách mạng, đạo đức kinh doanh…
Lý thuyết nghe qua dễ nhìn nhận một hành vi người nào đó có trong khuôn khổ đạo đức, có thể đánh giá đúng sai theo suy nghĩ của mình dựa trên câc chuẩn mực đang phổ biến. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cấp uỷ và Chính quyền địa phương hô hào quyết tâm phòng chống dịch. Để giảm phiền hà cho người dân đi lại và thuận lợi lưu thông, Chính quyền cân nhắc và công bố bộ tiêu chí ứng xử thống nhất toàn địa phương. Dĩ nhiên, không có gì cầu toàn tuyệt đối, đôi khi được cái này mất cái khác, nhưng cân đong làm sao cái lợi phải nặng hơn. Bộ tiêu chí này ban hành nhằm giảm khó khăn cho người dân trong việc vừa tham gia phòng chống dịch vừa tham gia hoạt động sản xuất. Cân nhắc này dựa trên nền tảng lợi ích toàn địa phương.
Nhưng trong địa phương, các cơ sở lại có hoàn cảnh không hẳn như nhau. Ý thức và năng lực các bộ cơ sở cũng có sự chênh lệch. Chỉ huy một cơ sở cũng có họp bàn và thống nhất ban hành quy định riêng áp dụng cho cơ sở không tương thích với bộ tiêu chí quy định của cấp trên. Chỉ huy cơ sở cho rằng họ làm như vậy với ý thức trách nhiệm cao, nhằm bảo vệ an toàn hơn cho cơ sở họ. Sự biện luận của họ có nét đạo đức rõ ràng, hết lòng chăm lo cho an toàn, sức khoẻ người dân trong cơ sở họ. Cụ thể là quy định của họ góp phần hạn chế lao động đi qua cở sở và hạn chế lao động trong cơ sở ra bên ngoài lao động mưu sinh! Về lý thuyết là có lợi trước mắt, an toàn hơn, nhất là an tâm cho nhóm chỉ huy cơ sở đó, nhẹ trách nhiệm.
Còn cuộc sống của người lao động thì sao, há lẽ cứ trông chờ bầu sữa xã hội. Nhất là việc làm của họ sẽ gây biết bao phiền toái không đáng cho người dân, góp phần làm không khí đang không tốt thêm phần… ảm đạm!? Việc làm trái của họ mang tính đạo đức hay phi đạo đức? Đã nói trái lệnh là sai rồi. Nhưng xử lý ra sao? Niệm tình vì “nóng lòng lo cho dân” nên dĩ hòa vi quý! Hạn chế của nhận thức thế nào là đạo đức, hay sự ích kỷ đã biến tướng trú ẩn trong hành vi cho là đạo đức.
Chuyện thời sự, Thủ tướng trăm công ngàn việc lúc dịch cao trào, có lúc tận nửa đêm còn phải lo kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch ở tận xã, huyện xa xôi. Những chỉ huy các cấp được kiểm tra bộc lộ nhiều thiếu sót như thờ ơ, chủ quan trước nhiệm vụ cấp thiết; thể hiện thực thi thì yếu kém năng lực lẫn đạo đức… Nếu không có dịch bệnh, những chỉ huy đó vẫn là những người năng lực, đạo đức theo cách nhìn từ trên, nên mới có vị trí chỉ huy đó. Hạn chế thước đo năng lực, đạo đức hay lý do nào khác! Nhưng rõ ràng cách đánh giá đạo đức có nhiều chuyện phải bàn.
Chuyện khác, liên quan đạo đức kinh doanh. Chuyện thương lái ép giá nông dân trở thành điệp khúc, trường ca… nghe riết thấy nhàm! Thương lái có hành vi này hay không? Khẳng định là có, nhưng thương lái không thể tự tung tự tác, họ chỉ có thể “ép” bạn đường của mình khi xảy ra một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Đó là thời khắc cung vượt cầu hoặc lưu thông bị trục trặc gây ứ đọng sản phẩm. Mà lúc cao điểm mùa vụ, chắc chắn cung vượt cầu. Cho nên lý giải vì sao mọi nông phẩm cứ đến lúc thu hoạch rộ lại rớt giá. Tuy nhiên, sự kiện này mang tính tương đối, chủ yếu từ cán cân cung cầu trong nước. May mắn, nông phẩm nào đó có thể xuất khẩu của mình bội thu nhằm lúc của các nước khác thất bát thì hát bài trúng mùa trúng giá, dù bài hát này ít được vang lên.
Dịch bệnh nhiều tháng qua, nhiều địa phương đã áp dụng Chỉ thị 16 đã hạn chế lưu thông, đi lại. Việc tiêu thụ nông phẩm có khó khăn thực sự. Chi phí người mua tăng lên. Dĩ nhiên giá mua của thương lái phải giảm để có lãi. Doanh nghiệp chế biến cũng cung cấp thông từ chi phí y tế, chi phí ăn nghỉ, chi phí vật tư… đều tăng. Thậm chí chi phí thuê container đưa hàng tiêu thụ tăng quá mức ngoài sự mường tượng. Tôi chỉ nêu quanh chuyện con tôm. Thương lái, một mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm; khó nhận phần khó cho mình, thậm chí có thu nhập hơn bình thường trong hoàn cảnh khó khăn này.
Nhà chế biến, đường đầu với những phí tổn khá lớn liệt kê trên, nhưng cơ bản gởi phần lớn bạn đồng hành gánh vác, thông qua giá mua tôm thương phẩm của người nuôi. Tình huống có chia sẻ thì thương lái và nhà chế biến có lẽ cũng gánh vác phần nhẹ hơn so với người nuôi. Cũng nói cho rõ, giả sử có nhà chế biến có khả năng, có đạo đức muốn chia sẻ người nuôi, nhưng mặt bằng giá mua bán được quy luật cung cầu thiết lập từng thời điểm. Thông qua khâu thương lái, họ cũng không thể đưa được sự sẻ chia của mình tới người nuôi như ý định. Như vậy, xét mặt đạo đức kinh doanh, hai mắt xích thương lái và nhà chế biến có đáng bị phê phán? Nhìn qua là đáng, nhìn sâu xa còn điểm lưu ý.
Tình huống nguồn tôm khan hiếm, quy luật cung cầu điều tiết giá. Người nuôi phấn khởi vô cùng, nhà chế biến biết mua tôm chế biến là lỗ nhiều, lỗ ít nhưng phải mua để duy trì hoạt động… Một sự việc bên ngoài thấy như không hợp lý vì phân phối lợi ích không công bằng nhưng chiều sâu là bình thường, bởi cuộc sống không là số cộng của sự đơn giản mà còn nhiều điều cần kiến thức chuyên ngành mới lý giải hết. Chuyện đúng sai, tính tương đối của đạo đức trong kinh doanh cũng đầy chuyện phải bàn!
Thực thi hay không thực thi đạo đức kinh doanh là chủ quan ý chí người trong cuộc. Tuy nhiên, nếu có sự tính toán sao hoàn cảnh khách quan không xảy ra yếu tố bất lợi cho các bên tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nào đó sẽ góp phần hạn chế hành vi phi đạo đức xảy ra. Thí dụ dự báo tốt, tính toán ra mức cầu mà duy trì mức cung phù hợp và khuyến cáo các bên liên quan sẽ góp phần giảm thiểu dư thừa hàng dẫn đến bị ép giá. Như nâng cao năng lực nhận biết về thị trường cho bên trước đây chỉ lo chăm bẵm sản xuất mà không biết tính toán kỹ lưỡng cho đầu ra sản phẩm của mình… sẽ giúp sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi hơn…
Tóm lại, phạm trù đạo đức đang có vẻ như là quá cao xa khó với tới! Đôi khi cách diễn đạt nội dung đạo đức có gì đó khập khiễng với thực tế cuộc sống đang đầy thực dụng và vị kỷ trong mọi lĩnh vực, trong mọi giới đời sống xã hội. Cuộc sống đang đầy nghịch lý, nên xã hội như coi sự kiện phản cảm nào đó chỉ là giọt nước trong ly nước! Chúng ta tin rằng xã hội luôn xu thế phát triển, cái không tốt sẽ bị đào thải, bỏ lại phía sau. Muốn tăng tốc phải có chút thoái lui để lấy…đà, giữ sự suy nghĩ đó để vững chân tiếp bước. Mà cũng mong lấy đà nhanh nhanh một chút!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN