Thủ tướng: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 7/2/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, trong đó, yêu cầu tập trung hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Chú thích ảnh

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng các nội dung sau:

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...).

Nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tăng trưởng của các địa phương, nhất là các thành phố lớn là “đầu tàu” kinh tế

Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng: hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế;

Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. 

Yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 02 năm 2025. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” về pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rà soát, tiếp tục đề xuất sửa đổi và bảo đảm tiến độ sửa đổi các Luật: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Doanh nghiệp, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Khoa học..

Tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện. 

Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ. Trong năm 2025, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được tổ chức thực hiện theo hình thức trực tuyến, thông suốt, liền mạch, minh bạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% Bộ phận Một cửa thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trước khi giải quyết theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05 tháng 04 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

Yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật để tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản theo thẩm quyền.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực trọng điểm

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký. Tập trung kết thúc đàm phán FTA với Khối EFTA; sớm khởi động đàm phán FTA với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và các đối tác tiềm năng khu vực Nam Á, Nam Mỹ; mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, thị trường sản phẩm Halal. Cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy nâng cao hiệu quả và tốc độ thông quan hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc.

Bám sát tình hình quốc tế, khu vực để phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các đối tác lớn. Tiếp tục vận động các đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí... Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành: bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics.

Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 7/2/2025

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM