Theo đại diện hiệp hội AFT Nguyễn Thị Thu Liên, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận nhiều tới khu vực châu Phi là do thị trường này dù yêu cầu sản phẩm giá rẻ với chất lượng "dễ tính" nhưng vẫn còn không ít rào cản.
Chiều ngày 28/2, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi.
“Đây là hội nghị giao ban lần thứ 7, trong đó đến kỳ giao ban thứ 6, Bộ Công Thương đã đi đến thống nhất mỗi kỳ sẽ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Chủ đề hội nghị giao ban lần này là cơ hội cho các sản phẩm thực phẩm, chế biến và nông sản chế biến trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết.
|
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông...
Dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay Trung Quốc.
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bên cạnh rào cản về vấn đề chất lượng, sự cạnh tranh hàng hóa, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rào cản khác khi tiếp cận các thị trường mới nổi như châu Phi, Trung Đông...
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Trần Văn Hòa - Phó Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu INSY Global (một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng) chia sẻ: “Hiện tại doanh nghiệp của mình đã bắt đầu tiếp cận khách hàng tiêu dùng tại Trung Đông. Mình nhận thấy người Trung Đông có xu hướng yêu thích sản phẩm sầu riêng cấp đông do đặc tính tiện lợi như được hút chân không, thẩm mỹ đẹp…”.
Tuy nhiên, để tiếp cận lâu dài, Trung Đông chưa phải là thị trường mà INSY hướng tới bởi nhu cầu đối với sầu riêng chưa thật sự lớn. Thay vào đó, doanh nghiệp tập trung vào thị trường Canada và Mỹ trong năm 2023 và thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) Nguyễn Thị Thu Liên cho rằng, Trung Đông là một thị trường đầy tiềm năng khi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả giá cao để mua thực phẩm. Ngoài chứng chỉ Halal, thị trường này cũng không yêu cầu chất lượng sản phẩm quá cao, không có nhiều hàng rào kỹ thuật. Nếu doanh nghiệp tiếp cận được thì đây sẽ là một thị trường vô cùng tiềm năng.
Dù vậy, cho đến hiện tại, số lượng doanh nghiệp tiếp cận thị trường này so với các khu vực khác vẫn còn khiêm tốn.
“Trước đây, vấn đề ngôn ngữ trở thành vấn đề chính khi khu vực Trung Đông sử dụng tiếng Arab, trong khi thông dịch viên ngôn ngữ này chưa thật sự nhiều. Thứ hai, tư duy của doanh nghiệp Việt Nam coi thị trường các nước Hồi giáo là thị trường khó tính. Giờ đây, khi các rào cản này đã dần được phá bỏ, doanh nghiệp thành viên của AFT đã bắt đầu tiến vào thị trường, trong đó có Dubai, Quatar”, bà Liên nhận định.
Tại khu vực châu Phi, bà Liên cho rằng, doanh nghiệp của Hiệp hội hầu như chưa tiếp cận thị trường này do 3 vấn đề chính. Đầu tiên, doanh nghiệp lo ngại khi phải thanh toán với bên thứ 3 khi ngân hàng Việt Nam chưa có đại diện tại các nước châu Phi.
Thứ hai, thị trường châu Phi đòi hỏi giá rẻ, trong khi doanh nghiệp lại sản xuất theo tiêu chuẩn cao (kéo theo giá thành cao). “Thị trường châu Phi dễ tính đối với sản phẩm nhưng doanh nghiệp của hiệp hội lại không sản xuất theo hướng dễ tính”, bà Liên nói.
Thứ ba, doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt được nhiều thông tin về thị hiếu tiêu dùng của người châu Phi, không thể sản xuất “đúng ý”, trong khi đi trực tiếp sang tìm hiểu lại liên quan đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
Thu Hằng (theo Mekong Asean)