(vasep.com.vn) Xuất khẩu sò điệp đông lạnh của Nhật Bản tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng từ Mỹ và Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thấp.
Theo dữ liệu hải quan của Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tháng 11/2024, Nhật Bản đã xuất khẩu 3.365 tấn sò điệp, bao gồm cả sò điệp đông lạnh và sò điệp nguyên vỏ, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu cũng tăng vọt 91%, đạt 7,18 tỷ Yên.
Xuất khẩu sò điệp đông lạnh (mã HS 030722100) đạt 1.831 tấn, tăng 26% về khối lượng, trong khi giá trị tăng 79%, đạt 6,57 tỷ Yên. Giá trung bình tăng 42%, đạt 3.586 Yên/kg (22,8 USD/kg), mức cao nhất kể từ tháng 1/2021.
Riêng tại Mỹ, xuất khẩu trong tháng 11 tăng 42%, đạt 786 tấn với giá trị 3,244 tỷ Yên, tăng 116%. Giá trung bình tăng 52%, đạt 4.128 Yên/kg (26,2 USD/kg), hồi phục mạnh mẽ từ mức thấp 2.665 Yên/kg vào tháng 12/2023. Tính từ tháng 1 đến tháng 11, xuất khẩu sang Mỹ tăng 49% về khối lượng, đạt 4.716 tấn, với giá trị tăng 5%, đạt 17,2 tỷ Yên.
Tại Đài Loan, xuất khẩu tháng 11 giảm 18% xuống còn 388 tấn, nhưng giá trị lại tăng 19%, đạt 1,5 tỷ Yên. Tính lũy kế từ đầu năm, xuất khẩu sang Đài Loan tăng 28% về khối lượng, đạt 3.109 tấn, trong khi giá trung bình tăng 5%, đạt 3.266 Yên/kg.
Xuất khẩu sang Thái Lan trong tháng 11 tăng 91%, đạt 82 tấn, trong khi xuất khẩu sang Việt Nam tăng đột biến 3.600%, đạt 148 tấn. 11 tháng của năm 2024, xuất khẩu sang Thái Lan tăng 156%, trong khi Việt Nam và Hàn Quốc lần lượt tăng 939% và 75%, cho thấy sự mở rộng đa dạng hóa thị trường đáng kể.
Xuất khẩu nguyên liệu sò điệp có vỏ (mã HS 030722900) trong tháng 11 tăng 313%, đạt 1.535 tấn, với giá trị tăng 528%, đạt 613 triệu JPY. Giá trung bình tăng 52%, đạt 399 JPY/kg (2,54 USD/kg). Xuất khẩu sang Việt Nam tăng từ chỉ 48 tấn năm ngoái lên 1.113 tấn, trong khi sang Thái Lan tăng từ 137 tấn lên 372 tấn.
Xuất khẩu sò điệp sang Trung Quốc vẫn dừng ở mức 0 kể từ tháng 9/2023 sau khi chính phủ nước này áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với hải sản Nhật Bản vào tháng 8/2023, liên quan đến việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.