(vasep.com.vn) Nếu như năm 2023, XK cá ngừ của Việt Nam sang Bồ Đào Nha vẫn chưa được đều đặn, năm 2024 các đơn hàng XK sang thị trường này đã thường xuyên hơn. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ sang Bồ Đào Nha trong năm 2024 chỉ đạt khoảng 10 triệu USD, tăng 379% so với cùng kỳ.
Hiện Bồ Đào Nha là thị trường NK lớn thứ 6 của Việt Nam trong khối EU. Và tính trong năm 2024, nước này là 1 trong số ít các nước EU tăng NK cá ngừ của Việt Nam ở mức 3 con số.
Năm nay, loin cá ngừ hấp đông lạnh là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, với tỷ trọng chiếm hơn 82% tổng giá trị XK. Còn lại là các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh.
Về vị trí địa lý, Bồ Đào Nha là quốc gia nằm ở phía Tây Nam châu Âu, tuy là một đất nước nhỏ với 10 triệu dân nhưng lại là cửa ngõ thông thương ra thế giới khi có vị trí địa chiến lược quan trọng nằm ở trung tâm tam giác châu Âu, châu Phi, và Mỹ La tinh. Chính vì thế mà những năm gần đây, các nhà nhập khẩu Tây Ban Nha đang gia tăng nhập khẩu thông qua các cảng của nước này.
Cụ thể năm 2024, Bồ Đào Nha tăng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam, trong đó đặc biệt là loin cá ngừ hấp đông lạnh. Các đơn hàng này phần lớn là tạm nhập tái xuất qua các cảng Bồ Đào Nha đến Vigo, Tây Ban Nha.
Việc cá ngừ Việt Nam gia tăng xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha không chỉ là hướng tới thị trường của đất nước này mà còn là cả thị trường châu Âu và châu Phi.
Các sản phẩm cá ngừ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế quan từ hiệp định EVFTA, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng tối đa những ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, từ tháng 12 trở đi các đơn hàng XK sang thị trường Bồ Đào Nha đã bị ngưng trệ.
Ngành cá ngừ đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc đầu năm
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, không chỉ XK sang thị trường Bồ Đào Nha, mà XK sang các thị trường khác cũng đang chậm lại. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc trong khâu cấp giấy SC và CC. Mặc dù, ngày 5/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 127/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, tình trạng đơn vị quản lý cảng cá và cơ quan quản lý thủy sản địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định hiện hành hoặc áp dụng máy móc, cứng nhắc, lạm dụng quy định để yêu cầu thêm một số nội dung pháp luật chưa quy định đã gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ. Hồ sơ tồn đọng khiến cho hoạt động sản xuất và XK của doanh nghiệp gặp khó.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2025 hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thoả thuận theo trong Hiệp định EVFTA đã được khởi động lại. Trong khi đó, đang vào mùa khai thác hải sản khơi nhưng nhiều tàu đánh cá ngừ vằn ở 3 tỉnh trọng điểm buộc phải nằm bờ vì kích cỡ cá theo quy định không nhiều, vì ngư dân ra khơi nắm chắc lỗ. Theo phản ánh của ngư dân, hiện giá thu mua cá ngừ của các chủ vựa xuống thấp, tàu ra khơi nếu không lỗ tiền dầu thì cũng lỗ tiền công. Và với tình hình này, doanh nghiệp không mua được cá ngừ vằn có xuất xứ thuần tuý để XK hưởng ưu đãi thuế. Nếu tình trạng này kéo dài, ngư dân không có thu nhập, doanh nghiệp mất thị trường. Các nhà NK sẽ tìm các nguồn cung thay thế cho nguồn cung từ Việt Nam cũng đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Philippines hay Ecuador. Thêm vào đó, Thái Lan cũng đang ráo riết đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, một khi các doanh nghiệp đã mất thị trường thì rất khó phục hồi được. Do đó, cả DN và ngư dân đang ngóng chờ việc điều chỉnh quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (50cm) theo quy định của nghị định số 37/2024/NĐ-CP.