Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi

Ngày 28-2, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2-2023 với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến, với trọng tâm vào các thị trường khu vực châu Á và một số thị trường châu Đại Dương, châu Phi; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi
Quang cảnh Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi. 

Thông tin tại hội nghị cho thấy, với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. 

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Tham luận tại hội nghị, các ý kiến cũng đề xuất: Hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Thu Hằng (theo Quân Đội Nhân Dân)

Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục