Nghị định 37/2024 và Nghị định 38/2024 sắp có hiệu lực - nhiều nội dung doanh nghiệp cần quan tâm

(vasep.com.vn) Ngày 13/5/2024, Hiệp hội VASEP đã gửi công văn số công văn số 54/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và các đơn vị liên quan thuộc Bộ để báo cáo, kiến nghị một số bất cập tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ – là 2 Nghị định quan trọng, được Hiệp hội và cộng đồng DN đặc biệt quan tâm.

Ngày 4/4/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (NĐ 37), có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, bổ sung một số điều của NĐ26/2019/ NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngày 5/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP (NĐ 38), có hiệu lực từ ngày 20/5/2024 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Trong đó, nhiều nội dung mà DN chế biến XK hải sản khai thác cần lưu ý tuân thủ, bao gồm: size cỡ một số loài hải sản khai thác thông dụng đã có sự thay đổi, quy trình-thủ tục khai báo và đăng ký khi nhập khẩu hải sản nguyên liệu, và đặc biệt việc cẩn trọng khi chế biến hoặc XK các nhóm mặt hàng hải sản mà có thể bị coi là "trộn lẫn" nguyên liệu khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu...

Ngày 23/4/2024, VASEP đã tổ chức hội nghị phổ biến NĐ 37 và NĐ 38 cho các DN chế biến-xuất NK hải sản khai thác tại Tp. HCM. Theo đó, có một số nội dung bất cập quan trọng tại NĐ 37/2024, 38/2024 khiến DN lo lắng, quan ngại, VASEP báo cáo, kiến nghị tại công văn số 54/CV-VASEP như sau:

1. Danh mục các sản phẩm được miễn trừ xác nhận, chứng nhận TS khai thác

Trước ngày 01/01/2019,  danh mục các sản phẩm được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác đã được quy định tại TT 50/2015 của Bộ NNPTN. Theo đó, các lô sản phẩm thủy sản thuộc danh mục trên, XK sang EU trong thời điểm trước 1/1/2019 không phải làm các thủ tục giấy xác nhận S/C và giấy C/C. Tuy nhiên, thông tư 21/2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thay thế thông tư 50 và NĐ 37/2024 đã không có quy định về danh mục này. Trong khi đó, liên minh Châu Âu (EU) vẫn còn nguyên danh mục các sản phẩm được loại trừ, không phải thực hiện xác nhận, chứng nhận.

Hiệp hội đề xuất, kiến nghị: Bộ NN&PTNT xem xét ban hành danh mục các sản phẩm thủy sản được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận TS khai thác theo yêu cầu thị trường & bản chất của nguồn gốc sản phẩm; nhằm vừa đảm bảo kiểm soát tốt các quy định về IUU theo đúng Luật Thủy sản của Việt Nam và thông lệ quốc tế, vừa giúp người dân & DN thực hiện IUU đúng, đủ và hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, XK sang EU và các thị trường có yêu cầu kiểm soát về IUU.

2. Qui định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại NĐ 37/2024.

Trong đó quy định đối với một số loài hải sản khai thác là không phù hợp với thực tế khai thác và chế biến XK trong nước. Cụ thể liên quan một số loài có sản lượng thương mại XNK toàn cầu lớn như: Cá ngừ vằn, Cá Trích xương, Mực ống, Tôm sắt cứng…. Trong khi đó, nội dung quy định “khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định” tại Luật TS (2017) là một hành vi khai thác bất hợp pháp. Bởi vậy, khi NĐ 37/2024 có hiệu lực, nhiều ngư dân khai thác ở các tỉnh, các cơ quan thực thi ở các địa phương sẽ gặp khó; Và các nậu vựa-đại lý và DN chế biến XK sẽ không có hoặc thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu phù hợp, cần thiết để thu gom và XK.

Hiệp hội đề xuất, kiến nghị với Bộ NN&PTNT rà soát lại và Báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi phù hợp quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó đề xuất khung tiếp cận như NĐ 26/2019 của CP.

3. Qui định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác NK với nguyên liệu TS có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng XK” tại NĐ 37 và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này tại NĐ 38.

Quy định này đang gây hoang mang cho DN vì không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong “cùng một lô hàng XK” được hiểu như thế nào mới đúng. Trong khi đó, Luật Thủy sản 2017, NĐ 26/2019, NĐ 37/2024 và 38/2024 không thấy có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”.

Thực tế, đối với các DN hải sản, việc SX ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và NK là hoàn toàn bình thường và là một thông lệ trong giao thương quốc tế hiện nay, miễn sao đó là các hàng được chứng minh là không vi phạm IUU. Việc thực hiện quy định “không trộn lẫn…” này có thể khiến DN phải trả nhiều hơn về chi phí logistic & cước tàu vận chuyển đường biển, và phát sinh nguồn lực & chi phí quản lý/thông quan của cả DN cùng nhà NK ở nước ngoài. Đặc biệt là chưa thấy phương thức/quy định này của các nước cùng đang XK hải sản khai thác vào EU.

Hiệp hội đề xuất, kiến nghị:  Bộ NN&PTNT rà soát, đánh giá lại và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ quy định «không trộn lẫn...» kể trên tại NĐ 37/2024 để cộng đồng DN hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các trách nhiệm & quyền tự chủ kinh doanh của DN. Tương tự vậy đề nghị sửa đổi phù hợp nội dung quy định xử phạt liên quan tại NĐ 38/2024, để đảm bảo đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các NĐ.

4. Quy định thông báo trước 72 giờ (đối với tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản) và 48 giờ (đối với tàu container NK) tại NĐ 37.

Quy định này khó khả thi vì cả 2 mốc thời gian này quá dài (so với mốc Cập cảng), không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container, do thực tế hiện nay, nhiều DN NK nguyên liệu hải sản khai thác từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 48 giờ. Với hàng hoá NK bằng container, khi hàng phải lên tàu ở cảng xuất thì DN mới có thông tin để làm hồ sơ, chứng từ. Như vậy DN NK không có cách nào để khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định trong các trường hợp chặng ngắn thông dụng như trên.

Để vừa thực hiện tốt quản lý nhà nước, vừa phù hợp với thực tiễn quá trình giao-nhận vận tải biển quốc tế Hiệp hội đề xuất, kiến nghị: Bộ NN&PTNT xem xét và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định này theo hướng là: DN thông báo với cơ quan thẩm quyền của Bộ NN&PTNT trước thời điểm thông quan thay vì thông báo trước khi cập cảng. Vì dù tàu vận chuyển thuỷ sản hay là tàu vận chuyển container (có chứa hàng thủy sản) có cập cảng Việt Nam thì hàng hoá trên tàu cũng chưa được phép NK vào lãnh thổ Việt Nam nếu như DN chưa được cơ quan hải quan thông quan hàng hoá vận chuyển trên tàu đó.

Ngày hiệu lực của 2 NĐ đang đến gần (ngày 19/5/2024 và 20/5/2024), các DN hải sản thực sự lo lắng-hoang mang, Hiệp hội VASEP và DN mong những bất cập, vướng mắc kể trên được tháo gỡ để đảm bảo NĐ 37/2024 và NĐ 38/2024 có tính khả thi cao, hiệu lực, hiệu quả - vừa kiểm soát tốt các quy định IUU góp phần quan trọng trong tháo gỡ thẻ vàng, vừa duy trì được khả năng sản xuất, khai thác hợp pháp của Ngư dân và năng lực cạnh tranh, XK của DN, của chuỗi ngành hàng.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM