(vasep.com.vn) Ngày 6/9/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phát hành công văn số 92 /CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ và các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
VASEP đã nhận được Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo) đang lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ từ ngày 3/7/2024.
Hiệp hội VASEP ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong các quyết sách để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân. Trong đó có quyết sách về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Hiệp hội cũng đánh giá cao Ban soạn thảo (Bộ Y tế) về việc đã tiếp thu một nội dung quan trọng trong các ý kiến góp ý-kiến nghị của VASEP cho Nghị định 09/2016 trong suốt 6 năm qua: đó là Dự thảo đã loại trừ việc áp dụng Nghị định đối với đối tượng là thực phẩm xuất khẩu.
Điều này không chỉ phù hợp với thực tiễn, với khoa học mà sẽ giúp tạo thuận lợi cho DN chế biến thủy sản nói riêng, chế biến hàng thực phẩm nói chung trong quá trình sản xuất xuất khẩu hàng hóa, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN xuất khẩu thực phẩm tại các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, chúng tôi rất quan ngại rằng, khi quy định như Nghị định 09/2018 hiện nay hoặc như nội dung Dự thảo, thì các DN sản xuất thực phẩm xuất khẩu nếu có phải sử dụng đến muối trong quy trình sản xuất thì không thể kiếm được nguồn cung muối sạch (tinh) để phục vụ sản xuất, vì các đơn vị nhập khẩu/sản xuất/cung ứng muối đã phải tuân thủ đầy đủ quy định (bổ sung i-ốt vào 100% muối trước lưu thông). Đây là vấn đề quan ngại của thực tiễn cần Ban soạn thảo nghiên cứu có giải pháp phù hợp.
Một quan ngại lớn thứ 2 của chúng tôi đó là Dự thảo vẫn tiếp tục giữ nguyên quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”. Yêu cầu này đã & đang gây ra nhiều vướng mắc cho các DN thực phẩm trong suốt hơn 9 năm qua với một số luận cứ cơ bản như sau:
(1) Chưa đủ cơ sở pháp lý, mâu thuẫn với Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chưa phù hợp với Hiến pháp 2013.
(2) Chưa đủ cơ sở khoa học, thực tiễn: Dự thảo và các tài liệu hỗ trợ còn lẫn lộn giữa hai nội dung muối iod dùng cho hộ gia đình và muối dùng cho chế biến thực phẩm. Việc bổ sung i-ốt vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm nhiều khi không có hiệu quả, do i-ốt hầu như mất hết trong quá trình chế biến
(3) Có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây khó khăn, bất cập lớn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thị trường nội địa
(4) Không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Việc lựa chọn thực phẩm để bổ sung vi chất trong Dự thảo cũng chưa đúng với tiêu chí là thực phẩm thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới nêu trong Tờ trình.
(5) Báo cáo tác động chính sách và các tài liệu kỹ thuật đính kèm được xây dựng với nhiều thông tin còn sai lệch, chưa đầy đủ và chưa đủ cơ sở khoa học.
Ngày 15/7/2024 vừa qua, các Hội/Hiệp hội ngành hàng thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” để cùng các chuyên gia y tế, chuyên gia thực phẩm, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung của Dự thảo.
Trên cơ sở phân tích thực tiễn hơn 9 năm qua, đồng thời tổng hợp các ý kiến từ cộng đồng các DN Hội viên cũng như các góp ý tại Hội thảo nói trên, Hiệp hội trân trọng đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế sớm hoàn thiện và ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09, phù hợp với Hiến pháp 2013, Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, phù hợp với cơ sở khoa học và quản lý rủi ro, phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế; đảm bảo nâng cao sức khỏe nhân dân cho các nhóm đối tượng khác nhau, không vì ưu tiên nhóm đối tượng này mà làm tổn hại sức khỏe nhóm đối tượng khác; đồng thời, tháo gỡ triệt để các bất cập tồn tại thời gian quá dài cho ngành chế biến thực phẩm, cụ thể xin đề xuất giải pháp thực hiện như sau:
1. Khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm thay cho việc quy định bắt buộc như hiện nay.
2. Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
3. Cho phép các cơ sở sản xuất muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt, của DN sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối thường dùng cho người thừa i-ốt.