THƯ THỈNH NGUYỆN: THỈNH NGUYỆN CHỈ ĐẠO VIỆC SỬA ĐỔI PHÙ HỢP HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA NHẬP KHẨU CÓ TÊN “KIỂM DỊCH” ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THỦY SẢN DÙNG LÀM THỰC PHẨM

(vasep.com.vn) Bằng Thư Thỉnh nguyện này, Hiệp hội VASEP khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét:

THƯ THỈNH NGUYỆN

Kính gửi:

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

Đồng kính gửi:

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

- Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

- Chủ tịch Phòng TM và CN Việt Nam Phạm Tấn Công

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các doanh nghiệp (DN) thành viên chân thành cảm ơn Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các Bộ trưởng đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để giúp cho cộng đồng DN thuỷ sản từng bước phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 và quan tâm, hỗ trợ DN trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh những năm qua.

Hiệp hội VASEP là một thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong các năm qua. Thời gian qua, cộng đồng DN thủy sản đã & đang gặp vướng mắc lớn về các quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm khi nhóm sản phẩm này bị áp vào danh mục có tên là «Kiểm dịch».

Bất cập vướng mắc kể trên đã tồn tại trong 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này ghi rõ tại các Nghị quyết 19 (2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các DN và nghiên cứu chuyên môn của các chuyên gia, Hiệp hội nhận thấy rằng hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ NNPTNT bao gồm Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2016), Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) và Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT (TT11/2021) là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.

Với các Thông tư nêu trên, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…; chủ yếu là chế biến đông lạnh) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải KIỂM DỊCH, khiến quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn khi gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan. Việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại 03 Thông tư trên là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành, cụ thể là:

BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN: (chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

Khác biệt trong chính quy định kiểm tra thuỷ sản xuất khẩu và thuỷ sản nhập khẩu:

Cùng trong một hệ thống kiểm tra chuyên ngành sản phẩm thủy sản (dùng làm thực phẩm) của Bộ NNPTNT nhưng quy định hoạt động kiểm tra đối với hàng XK và hàng nhập khẩu (NK) lại đang hoàn toàn khác nhau cả về tên gọi và cách thức thực hiện:

Đối với SP thủy sản xuất khẩu: thực hiện kiểm tra, chứng nhận ATTP theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT - trừ việc có bổ sung kiểm dịch một số sản phẩm tươi/sống sang thị trường Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc có yêu cầu kiểm dịch với các tác nhân gây bệnh trên tôm/cá (virus gây đốm trắng, đầu vàng….) theo OIE. Danh mục và cơ chế-phương thức kiểm tra đã áp dụng theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên lịch sử tuân thủ và mức độ điều kiện sản xuất đáp ứng ATTP.

Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu: hoạt động kiểm tra được gọi là “Kiểm dịch” theo 3 thông tư kể trên (26/2016, 36/2018, 11/2021) mặc dù các chỉ tiêu/tác nhân áp dụng kiểm tra là các chỉ tiêu ATTP được tham chiếu từ QCVN 8-3:2012/BYT của Bộ Y tế (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm). Danh mục và cơ chế-phương thức chưa theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Khác biệt trong kiểm tra SP thuỷ sản nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khác:

Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh, số còn lại là: đồ hộp, hàng khô…) để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra ATTP đối với các lô hàng sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam & các nước xuất vào, và gọi rõ là kiểm tra ATTP nhập khẩu với nhóm SP này. Còn quy định của Việt Nam thì gọi là “kiểm dịch”.

Các lô hàng sản phẩm thủy sản xuất khẩu (của Việt Nam và nhiều nước) được cấp giấy “chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Certificate)” chứ không phải là “chứng nhận an toàn dịch bệnh (Veterinary Certificate)”.

BẤT CẬP VỀ PHÁP LÝ: (chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

Có sự mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” ở các văn bản dưới Luật so với Luật Thú y và Luật ATTP:

Trong các văn bản dưới Luật, khái niệm “sản phẩm động vật” đã được mở rộng quá mức so với quy định tại Luật Thú y và mâu thuẫn với Luật ATTP khiến nhiều sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm đều được đưa vào diện kiểm dịch.

Mâu thuẫn với các nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo quy định của Chính phủ:

Chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành trong quá trình kiểm tra NK SP thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm.

Chưa áp dụng nguyên tắc miễn-giảm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đã được công bố hợp chuẩn, hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống QL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế/khu vực như quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 85/2019/NĐ-CP

Chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro & miễn-giảm kiểm tra chuyên ngành đã được thực thi hiệu quả theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật ATTP ; và bằng cách «đưa hết» thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vào «kiểm dịch nhập khẩu» khiến cho hầu hết các sản phẩm thực phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm không được áp dụng kiểm tra phù hợp theo Nghị định 15/2018.

Đi ngược lại các Nghị quyết của Chính phủ, mở rộng đối tượng, danh mục “kiểm dịch” trong quá trình hơn 10 năm qua:

Từ 2016 đến nay, Chính phủ đã có các Nghị quyết 19 và 02 về cắt giảm danh mục kiểm tra, quản lý rủi ro, hậu kiểm....- trong đó có quyết nghị ghi rõ việc rà soát, sửa đổi nội dung kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, phân biệt kiểm dịch và kiểm tra ATTP. Tuy nhiên, đi ngược lại với các Nghị quyết của Chính phủ, từ 2010 đến nay, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

BẤT CẬP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ: (chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

Chưa đúng với quy định thú y thuỷ sản của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE):

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hàng năm đều đưa ra tài liệu cập nhật Aquatic Animal Health Code (Bộ Luật thú y thủy sản) – trong đó danh mục dịch bệnh cần kiểm soát (Chương 1.3) chỉ có các tác nhân virus gây bệnh cho các loài thủy sản. Tiêu chí đánh giá an toàn đối với các sản phẩm thủy sản (Chương 5.4) cũng nêu rõ chỉ áp dụng đối với sức khỏe động vật theo danh mục bệnh thủy sản (tại chương 1.3 của OIE),

Chưa tương đồng với các nước khác:

Trong khi hầu hết các sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm nhập khẩu về Việt Nam đều đang phải nằm chung trong danh mục phải kiểm dịch thì đa số các quốc gia khác đều thực hiện kiểm tra thủy sản NK theo nguyên tắc sau với các văn bản quy định rõ ràng:

Đối với sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm: kiểm tra ATTP

Đối với thủy sản sống, tươi, ướp đá: kiểm tra an toàn dịch bệnh

Theo số liệu của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại (TFP) do USAID hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, công bố hồi tháng 1/2021, tính đến tháng 10/2019, số mặt hàng nhập khẩu thuộc diện quản lý kiểm tra nhà nước của Bộ NNPTNT hiện đang chiếm tới hơn 82% tổng số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của tất cả 13 Bộ (57.562 mặt hàng/tổng số 70.087 mặt hàng phải kiểm tra Nhà nước). Tuy nhiên, số lượng lô hàng bị phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm dịch lại vô cùng thấp trong các năm qua (năm 2017: chỉ 4 /320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,0012%; năm 2018: chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,0033%; năm 2019: 0 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%). Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay, đồng thời thủ tục kiểm dịch tại khâu NK vừa phải làm online, vừa phải nộp hồ sơ giấy khiến thời gian chờ kết quả thông quan kéo dài, DN tốn thêm thời gian, nhân lực, chi phí cho việc thông quan lô hàng.

Sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu là một hoạt động bổ sung năng lực cung ứng của Việt Nam đã được ghi nhận trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thuỷ sản Việt Nam đến 2030. Việc quy định bất cập như trên, không áp dụng quản lý rủi ro, đã và đang gây nhiều ách tắc cũng như chi phí tuân thủ rất lớn của xã hội.

Bằng Thư Thỉnh nguyện này, Hiệp hội VASEP khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét:

- Bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước;

- Bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).

- Tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc là vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng cũng vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế (theo các nguyên tắc vệ sinh thú y của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và các nguyên tắc kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ,…) trong cán cân thương mại với các nước và trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với từng dòng hàng và lịch sử tuân thủ của các doanh nghiệp, không kiểm “dàn hàng ngang” 100%

- Sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy.

- Sửa đổi 03 Thông tư nêu trên (26/2016, 36/2018 và 11/2021) của Bộ NNPTNT ngay trong Quý I/2022 để phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm khác nhau.

Nội dung chi tiết vui lòng xem TẠI ĐÂY.

Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM