Tháng 5, tôm nuôi vào vụ

Khi tôm thẻ chân trắng được nuôi phổ biến, kể cả trong vùng quảng canh, những năm gần đây, do thời vụ các địa phương không như nhau, nguồn cung tôm nguyên liệu đều đặn hơn cho các cơ sở chế biến. Tuy nhiên vẫn có giai đoạn cao điểm, tập trung từ tháng 5 tới tháng 10.

Điều này liên quan tới các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Nuôi thâm canh có lịch thời vụ khá rõ nét. Vụ sớm thả từ cuối năm trước tới tháng 3 năm sau, vụ phổ biến thả giống từ tháng 3 tới tháng 5. Sau khi thu hoạch các ao thả sớm, các ao ày sẽ được thả nuôi vụ hai từ tháng 5 về sau. Khi mưa nhuần từ cuối tháng 8 người nuôi được khuyến cáo ngưng thả giống vì rủi ro tăng lên từ thời tiết.

Tháng 5, đến hẹn lại lên, các doanh nghiệp (DN) tôm khởi đầu tăng tốc sau vài tháng bình lặng. Tôm nguyên liệu đồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến. Tháng 5 năm nay trong bối cảnh như vậy. Riêng về giá tôm, mỗi năm mỗi khác, bị chi phối chủ yếu từ bên ngoài. Năm 2018, các nước nuôi sớm như Ecuador, Indonesia trúng vụ, làm giá thị trường thế giới sụt giảm mạnh ngay đầu quý II, giá tôm Việt không ngoại lê. Người nuôi đã chuẩn bị ao, kéo dài thời gian thả để thăm dò diễn biến tình hình. Dẫn đến sản lượng tôm nuôi không như ý, dù sau đó giá đã phục hồi. Năm 2019, thả nuôi đầu vụ có tốt hơn, bởi giá tôm khá ổn định. Nhưng một số ao nuôi không nhỏ bị bệnh vi bào tử trùng và bệnh phân trắng tấn công. Tôm chậm lớn và tỉ lệ thu hồi đầu con giảm, khiến nuôi không hiệu quả. Vụ hai, mùa mưa, rủi ro càng tăng nên người nuôi không thiết tha. Sản lượng chung lại gặp vấn đề, không đạt mong đợi.

Tổng quát, giá tôm có xu hướng giảm khi vào vụ, do qui luật cung cầu tác động. Giá giảm từ tháng 5, cao điểm ở tháng 8 và phục hồi giá từ tháng 10. Năm 2017 biểu hiện như vậy. Qua 2018, giá phục hồi sớm từ giữa tháng 9, năm 2019 càng sớm hơn, những ngày đầu tháng 9 giá đã thể hiện xu hướng tăng rõ ràng. Giá phục hồi sớm, chủ yếu do nguồn cung tôm nguyên liệu giảm. Nguồn cung tôm nguyên liệu giảm do người nuôi cảm thấy bất an vì rủi ro khi thả nuôi mùa mưa. Điều này đã xảy ra hai năm qua, do âu lo về giá cả và dịch bệnh.

Năm 2020, COVID-19 hiện hữu từ đầu năm, đã tác động ngày càng lan rộng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Đất nước ta đã ngặn chặn Covid-19 rất tốt. Nhờ đó tác hại từ Covid-19 đã giảm thiểu, nhưng không tránh khỏi. Ngành chế biến thuỷ sản trong hoàn cảnh đó, tuy nhiên do cơ cấu thị trường tiêu thụ không như nhau, cá tra bán nhiều qua Trung quốc và quốc gia này bị tác động tiêu cực đầu tiên, bởi Covid-19 xuất phát từ đây, nên sớm ế ẩm hơn bên tôm. Từ tháng 3 vừa qua, Covid-19 lây lan khắp thế giới, nhiều quốc gia phải cách ly xã hội, hệ thống nhà hàng, khách sạn,... đóng cửa, sức tiêu thụ giảm, giá tôm cũng giảm theo. Điều này dẫn đến tháng 3 việc thả nuôi tôm của ta cũng bị đình đốn. Tôm giống ế quá, dội, khuyến mãi mua một con tặng nữa đến một con, chuyện chưa hề xảy ra.

Cũng may, các cường quốc nuôi tôm đều bị Covid-19 ghé thăm, gây ngưng trệ hoạt động trong xã hội, khiến nuôi và chế biến tôm cũng bị vạ lây. Chuỗi cung ứng hình thành con tôm bị gãy đổ, việc cung ứng tôm cho hệ thống tiêu thụ bị gián đoạn, giá tôm dần phục hồi. Tháng 5 này, giá tôm đang khá tốt, tôm 70 con xoay quanh giá 105.000 đồng mỗi kg. Nuôi trúng giá vốn khoảng 70.000. Tháng 5 này, không còn được khuyến mãi khi mua tôm giống, do sức cầu tăng trở lại. Tháng 5, thời tiết đang qua giai đoạn nắng nóng và xâm nhập mặn, người nuôi tập trung thả giống cho vụ nuôi chính trong năm, tuy có chậm một chút.

Việc thả giống tăng trở lại là một tin vui cho các DN tôm. Bởi hai tháng qua, ảnh hưởng Covid-19 giá tôm giảm và ảnh hưởng thời tiết từ nắng nóng và xâm nhập mặn khiến môi trường hay bị biến động, làm tôm dễ bị sốc, dẫn đến tôm yếu dễ nhiễm bệnh nên dân đã thả nuôi ít. Điều này sẽ làm việc cung ứng tôm nguyên liệu cho chế biến ít nhiều bị giảm sút ở đầu quý III. Nếu tình huống này xảy ra, năm nay giá tôm sẽ khó giảm, nếu có giảm thì không nhiều và trong ngắn hạn. Khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III, nghĩa là giá tôm phục hồi sớm hơn hai năm qua. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định, nhưng cũng có căn cứ khá vững vàng:

- Tồn kho các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản không nhiều.

- Các cường quốc nuôi tôm đều đang gặp khó khăn. Tôm nuôi Trung quốc đang bị virus lạ CIV-1 tấn công, gây thiệt hại không nhỏ. Ấn Độ kéo dài phong toả qua hơn giữa tháng này, khiến chuỗi cung ứng tôm bị gãy đổ, giảm nuôi. Ecuador bị Covid-19 tác động khá mạnh, nhà máy chế biến thiếu lao động. Indonesia, Thái Lan cũng bị tác động ít nhiều từ đại dịch. Khả năng nguồn cung các nước này đều giảm sút. Mức giảm sút cung tôm toàn cầu chưa rõ ràng, nhưng dự đoán ở mức từ 20%.

- Hệ thống nhà hàng, khách sạn; hệ thống du lịch... tê liệt; làm giảm sức cầu, nhất là tôm giá trị cao. Tuy nhiên, tôm là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, thơm ngon, khó thay thế nên hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ sẽ tăng cầu vì xu thế mua về chế biến tại nhà. Tổng hoà, mức cầu có thể giảm. Nhưng mức giảm này sẽ không cao bằng sự sa sút tình hình cung.

Covid đang đi qua, Chính phủ đang lo cho chương trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong nguy có cơ, điều này đang diễn ra với con tôm ta. Nguồn cung giảm, giá thiên về hướng tích cực. Cái còn đang lo là dịch bệnh. Giải pháp trước mắt là hết sức kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị ao nuôi; xử lý nước ao nuôi kỹ lưỡng và luôn đủ nước thay; chọn tôm giống uy tín, sạch bệnh; nâng cao tối đa an toàn sinh học khu nuôi... Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là bệnh chưa có có phác đồ điều trị.

Tháng 5, ngành tôm trở mình... như mọi năm. Tháng 5, kim ngạch tiêu thụ tôm sẽ tăng lên so các tháng trước. Tháng 5 còn là cơ hội tốt cho người nuôi tôm, đón đầu cơ hội tôm có giá cuối năm nay do Covid tan, nhu cầu phục hồi trong khi các nguồn cung đang gặp khó khăn.

TS.Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia