Xuất khẩu thủy sản sống chung với Covid19 – Biến thách thức thành cơ hội

Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ lên cục diện địa chính trị và kinh tế của toàn cầu. Nhiều quốc gia tin rằng, thế giới mà chúng ta đã từng quen thuộc và hiểu rõ sẽ chỉ còn trong kí ức. Mức độ nghiêm trọng của đại dịch này đã vượt xa khủng hoảng tài chính năm 2008, thậm chí vượt Đại suy thoát ở Mỹ vào những năm 1930.

Điều đáng lo ngại và khá chắc chắn rằng, thế giới sẽ phải đối mặt với hậu quả của đại dịch trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi đã gần cuối năm 2020 rồi, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn còn tiếp tục tăng.

Tất cả các ngành kinh tế đều đã bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gần như đã kiệt sức do phải ứng phó vượt qua đại dịch. Ngành thủy sản cũng không ngoại lệ.

Hầu hết các DN thủy sản Việt Nam thuộc đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, do có ít thanh khoản và phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng hơn so với các công ty lớn. Tuy nhiên, so với DN thuộc các ngành kinh tế khác thì thủy sản chịu tổn thương nhẹ hơn bởi dẫu sao thực phẩm vẫn là nhóm hàng hóa, sản phẩm thiết yếu đối với cuộc sống của con người.

Nhìn vào sức khỏe của 4 thị trường XK lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong năm 2020, chiếm tới gần 65% tổng giá trị XK là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và EU thì tới nay vẫn còn ẩn chứa đầy bất trắc. Nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn hoặc phá sản, người lao động mất việc làm đồng nghĩa với thu nhập, chi tiêu người dân giảm, nhập khẩu giảm, đầu tư vào khu vực sản xuất chậm…

Để đảm bảo cho các DN có thể tồn tại lâu hơn và đủ sức vượt qua cuộc khủng hoảng, Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp như: Gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay… Nhưng quan trọng hơn là tự thân các DN cũng phải tìm ra những hướng đi và giải pháp cho chính mình trong bối cảnh này.

Bên cạnh những mảng tối trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2020, các DN thủy sản cũng có nhiều cơ hội hơn so với những ngành kinh tế khác. Bởi không riêng gì Việt Nam, cho tới thời điểm này, các nguồn cung/đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador, Bangladesh… cũng đang gặp rối ren trong hoạt động hậu cần, lao động, sản xuất, kinh doanh, XNK… Trong khi đó, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh giúp ổn định hoạt động sản xuất trong nước, các FTA hay hiệp định CPTPP cũng đang mở ra cánh cửa lớn hơn cho hoạt động XK. Hơn thế nữa, thủy sản Việt Nam vẫn đang có lợi thế về chất lượng sản phẩm, tay nghề lao động, công nghệ, kinh nghiệm…

Tìm trong nguy có cơ. Vậy các DN thủy sản Việt Nam cần có những bước đi gì để biến thách thức thành cơ hội? Khi chắc chắn rằng, bài toán COVID-19 không thể được hóa giải sớm mà chỉ còn cách thích nghi và buộc phải sống chung? VASEP rất mong muốn nhận được ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp về giải pháp để sống chung và vươn lên trong bối cảnh Covid. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục