SSI dự báo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VHC sẽ đạt 28% do giá bán bình quân sẽ dần cải thiện từ 3,15 USD/kg trong năm 2024 lên 3,30 USD/kg (+5%) trong năm 2025. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của ANV dự kiến sẽ phục hồi 104%.
Nhìn lại năm 2024 cổ phiếu ngành thủy sản đã tăng 10,3%, kém vượt trội so với mức tăng 12,1% của chỉ số VN-Index.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đi ngang hoặc giảm trong 3 quý đầu năm 2024 (VHC -5%, FMC -2%, ANV 0,3%) do biên lợi nhuận thu hẹp, giá bán bình quân thấp hơn hoặc đi ngang và chi phí vận chuyển cao hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có kết quả vượt trội hơn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, với VHC tăng 26%, ANV tăng 33% trong khi MPC giảm 9%, FMC tăng 11%.
Nhận định triển vọng ngành thủy sản năm 2025, SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ cá tra tăng trưởng ổn định mặc dù có yếu tố rủi ro về mặt thuế
quan do giá cả phù hợp với việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng nhập khẩu cá tra vào Mỹ đã lần đầu tiên vượt qua sản phẩm thay thế gần nhất là cá rô phi Trung Quốc, theo NOAA. Kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2025 do cá rô phi dự kiến sẽ đối mặt với mức thuế quan cao hơn.
Trong kịch bản cơ sở, Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc. Đối với tôm, các loại thuế bổ sung sẽ có tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ, do giá bán bình quân tôm Việt Nam đã cao hơn 15-20% so với Ấn Độ và Ecuador. Vì lý do này, kỳ vọng giá bán bình quân sẽ duy trì ổn định và độ cạnh tranh, phòng trường hợp bị áp thêm các loại thuế bổ sung.
Nhấn mạnh về tác động của chính sách thương mại, theo SSI Research, ngành thủy sản Việt Nam sẽ là một trong những ngành nhạy cảm nhất đối với các mức thuế quan của Tổng thống Trump, do xuất khẩu tôm và cá tra sang Mỹ chiếm gần 20% tổng xuất khẩu.
Giả định mức thuế ngành dự kiến áp cho Việt Nam (10-20%) sẽ thấp hơn mức áp cho Trung Quốc. Trong chu kỳ trước khi cá rô phi phải chịu thuế 20% so với 0% đối với cá tra, nhu cầu đối với cá tra tăng vọt. Mặc dù thuế quan ảnh hưởng kém tích cực đến ngành tôm, FMC gần đây đã mở rộng công suất để tập trung hơn vào những sản phẩm giá trị gia tăng cho thị trường Nhật Bản.
SSI Research khá tích cực về triển vọng của ngành, và kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng. Điều này cũng được hỗ trợ bởi các đơn hàng xuất khẩu tạm thời từ các nhà bán buôn trước khi có mức thuế quan mới. Tỷ giá đồng USD dự kiến sẽ duy trì mạnh, giúp hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận lãi tỷ giá (VHC và FMC), trừ các doanh nghiệp có những khoản vay lớn bằng đồng USD, như ANV.
Sang năm 2025, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 10-16% trong đó kỳ vọng VHC +14,2%, FMC +16,4% và ANV +13% được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ.
Sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ sẽ ổn định, phần lớn do mức giá cạnh tranh hơn so với cá rô phi Trung Quốc. Giả định sản lượng tiêu thụ của VHC sẽ tăng 10%.
Doanh thu của ANV vẫn sẽ gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc do tiêu thụ phục hồi chậm. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ vẫn chưa cải thiện kể từ khi công ty được miễn thuế chống bán phá giá 2 năm trước. Doanh thu sang Mỹ tiếp tục chiếm dưới 5% tổng doanh thu của ANV. Đối với FMC, mở rộng công suất dự kiến thúc đẩy tăng trưởng, do kỳ vọng công ty sẽ tập trung vào phát triển thị trường Nhật Bản.
Về lợi nhuận, SSI dự báo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VHC sẽ đạt 28% do giá bán bình quân sẽ dần cải thiện từ 3,15 USD/kg trong năm 2024 lên 3,30 USD/kg (+5%) trong năm 2025. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của ANV dự kiến sẽ phục hồi 104% nhờ thị trường Trung Quốc phục hồi từ mức thấp năm trước và chiếm 20% doanh thu cũng như các thị trường khác (70% doanh thu).
Đối với FMC, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 15%, do giả định biên lợi nhuận gộp và chi phí bán hàng và quản lý (SG&A)/doanh thu đi ngang, phản ánh kỳ vọng về chi phí vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao và ghi nhận thuế chống trợ cấp từ Q3/2024.
Về mặt định giá, ngành thủy sản đang giao dịch tại P/E 2025 là 11x, cao hơn mức P/E trung bình lịch sử là 9x và thấp hơn mức đỉnh là 15x khi giá bán bình quân cá tra đạt 5,00 USD/kg, cao hơn 30% so với mức giá hiện tại. Định giá của ngành và giá cổ phiếu có mối tương quan cao đối với biến động giá bán bình quân, với kỳ vọng giá bán bình quân sẽ không tăng mạnh trong năm tới, SSI áp dụng mức P/E mục tiêu khoảng 10-11x cho EPS năm 2025 để đưa ra giá mục tiêu.
Theo VnEconomy