(vasep.com.vn) Theo Sophia Balod, Tổng biên tập của Cổng thông tin Thương mại Thủy sản Seafood TIP, các nhà nhập khẩu tôm ở châu Âu sẽ lựa chọn cách tiếp cận an toàn đối với các đơn đặt hàng từ nay đến hết năm 2021, độ tin cậy được họ quan tâm hơn là giá thấp.
Cơ hội cho tôm Việt tại EU
Balod cho biết, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm đã bắt đầu mở cửa trở lại trên khắp lục địa khi các ca dương tính COVID tiếp tục giảm và việc tiêm phòng được triển khai. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, khách du lịch đã tiêm phòng sẽ được phép nhập cảnh từ ngày 7/6.
Mùa hè - thường là thời điểm tiêu thụ cao trong năm – khắp châu Âu người ta tìm kiếm nguồn cung tôm, nhưng lượng tôm đưa vào dự trữ vẫn thấp hơn mức chuẩn thông thường. Hiện tại, lượng dữ trữ không thực sự nhiều vì người mua châu Âu, đặc biệt là ở Tây Bắc Âu, vẫn thận trọng vì họ muốn tìm nguồn cung ứng tin cậy.
Ví dụ như ở Ấn Độ, sự gia tăng số ca COVID cùng với chi phí vận chuyển cao và nguồn cung cấp container từ châu Á không đáng tin cậy đã khiến khách hàng châu Âu không muốn ký kết mua khối lượng lớn. Bên cạnh đó, khách hàng châu Âu cũng bị thiệt hại về tài chính trong thời kỳ đại dịch. Vì vậy, họ không có sẵn tiền mặt lớn như vậy chỉ để mua dự trữ trong kho của họ.
Vì sự e ngại đó, một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua khối lượng lớn từ các nguồn thay thế, đáng tin cậy hơn. Một trong những quốc gia được hưởng lợi là Việt Nam, quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với EU.
Theo Balod, nguồn cung nội khối châu Âu cũng trở nên được quan tâm hơn khi các nhà nhập khẩu quay sang các nhà sản xuất ở châu Âu để ‘khỏi đau đầu” về hậu cần. Trước mắt, xu hướng này cũng khiến cho giá tôm nội địa trong EU tăng vì EU tất nhiên là một trung tâm thương mại, đặc biệt là ở Tây Bắc Âu, tại các cảng của Rotterdam hoặc Hamburg.
Nam Âu chuẩn bị mua tôm cho dịp Giáng sinh
Trái ngược với thị trường nghiêng về phân phối ở Bắc Âu có nhu cầu chủ yếu tôm chế biến sẵn, ngành chế biến tôm lớn ở Nam Âu thường tập trung mua tôm nguyên liệu thô nhiều hơn.
Một phần lớn hạn ngạch thuế quan tự trị của năm nay đối với tôm thẻ chân trắng - 32.000 tấn trong tổng số 48.000 tấn phân bổ - vẫn còn dành cho các nhà chế biến dù đã qua 5 tháng.
Thông thường, hạn ngạch ATQ dành cho nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và với việc các nhà hàng đang mở lại trên khắp Nam Âu, nên Balod dự đoán rằng phần lớn hạn ngạch đó sẽ được sử dụng để phục vụ nhu cầu tăng mạnh trong thời gian tới.
"Cũng rất thú vị là các nhà nhập khẩu mà tôi đã nói chuyện cho biết, lĩnh vực chế biến cũng đang bắt đầu chuẩn bị cho Giáng sinh", Balod lưu ý thêm rằng, các nhà nhập khẩu dự kiến thời gian chế biến sẽ lâu hơn do các hạn chế trong các nhà máy liên quan đến COVID.
Khi xem xét các nguồn cung thay thế, các nhà chế biến Địa Trung Hải có nhu cầu cao đối với tôm nguyên con cỡ lớn, nếu nguồn cung châu Á vẫn còn khó khăn thì có thể được thay thể bởi tôm Ecuador và các nhà sản xuất Mỹ Latinh khác, Balod gợi ý.
Về xu hướng tiêu thụ trong tương lai, dù lượng tôm tiêu thụ trong lĩnh vực bán lẻ sẽ giảm khi dịch vụ thực phẩm hoạt động trở lại, nhưng mức tiêu thụ có thể sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức trước COVID.
Mọi người đã quen hơn với việc nấu sản phẩm tiện lợi từ kênh bán lẻ và xu hướng đó sẽ không sớm biến mất. Nhưng trong ngắn hạn, tôi nghĩ thực sự sẽ có sự tăng vọt trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống khi ngày càng có nhiều người tin tưởng vào các nhà hàng, và ngành du lịch cũng mở cửa trở lại.