Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đạt hơn 10 tỷ USD, tạo nền tảng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng, hướng đến phát triển bền vững trong năm 2025. Nhân dịp này, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có chia sẻ xoay quanh những nội dung này.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tin tưởng rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2025 sẽ duy trì được đà tăng trưởng. Ảnh: Hồng Thắm.
Thành công đến từ sự linh hoạt, nhanh nhạy
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả xuất khẩu thủy sản của nước ta trong năm 2024?
2024 là một năm ngoạn mục đối với ngành thủy sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD.
Thành công này đến từ sự nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các hiệp hội. Việc chỉ đạo điều hành đã rất linh hoạt, biết khi nào cần tăng cường sản xuất và khi nào nên duy trì ở mức độ đảm bảo hiệu quả.
Chẳng hạn, vào các tháng cuối năm 2024, khi thị trường có tín hiệu thuận lợi, sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã giúp phát huy tối đa hiệu quả sản xuất. Chúng ta đã cơ bản đảm bảo đủ nguyên liệu cho xuất khẩu, không chỉ ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà cả các đối tượng khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc… cũng đạt giá trị xuất khẩu cao.
Ngoài ra, sự nhanh nhạy của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong việc tranh thủ cơ hội thị trường, từ đó quay trở lại tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngày một tốt hơn.
Đây là kết quả mà chúng ta có được từ việc tổ chức sản xuất hiệu quả và quá trình tái cơ cấu. Thành công này là tiền đề quan trọng cho những bước phát triển trong năm 2025.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đạt hơn 10 tỷ USD. Thành công này là tiền đề quan trọng cho những bước phát triển trong năm 2025. Ảnh: Hồng Thắm.
Không chỉ mãi loanh quanh tôm và cá tra...
Đối với định hướng tăng trưởng xanh của ngành thủy sản, hiện nay ngành đang đặt mục tiêu ra sao, thưa ông?
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình cải tiến nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, tăng tỷ lệ sống của thủy sản và giảm phát thải ra môi trường.
Hiện nay chưa có yêu cầu bắt buộc về giảm phát thải và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên chúng tôi nhận thức được rằng, đây là ngành hàng xuất khẩu nên phải đáp ứng được yêu cầu chung của thị trường thế giới, đó cũng là xu hướng tất yếu. Điều này thể hiện rằng chúng ta chủ động hội nhập đối với các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Cục Thủy sản đang xây dựng một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và các nhà sáng kiến có những kỹ thuật để tiếp tục cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hơn nữa. Thông qua đó chúng tôi cũng sử dụng những công cụ để tính toán lượng phát thải cụ thể cho từng mô hình. Kết quả ban đầu cho thấy có những điểm cải tiến để giảm phát thải trong lĩnh vực nuôi tôm, cá tra hay nuôi biển.
Các mô hình nuôi kết hợp cá, nhuyễn thể và rong biển đang cho thấy sự bền vững, giúp giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để nhân rộng các mô hình hiệu quả, giúp người sản xuất thủy sản có thể học và làm theo được.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã đạt hơn 10 tỷ USD - một thành quả ấn tượng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đối tượng nuôi và xuất khẩu nhiều năm qua vẫn đang loanh quanh con tôm và con cá tra. Ông có thể cho biết ngành thủy sản sẽ phát triển thêm những đối tượng nào trong thời gian tới?
Trong Chương trình phát triển thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta sẽ không mở rộng diện tích nuôi tôm và cá tra, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu này để giữ đà xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu, kéo dài chuỗi giá trị, hạn chế phụ phẩm để gia tăng hiệu quả.
Song song đó, việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi là tất yếu. Đối với nuôi nước ngọt, gần đây chúng ta đã phát triển việc nuôi lươn, bước đầu có giá trị xuất khẩu cao. Hay cá rô phi cũng có rất nhiều tiềm năng, nhất là ở các tỉnh phía Bắc.
Các mô hình nuôi kết hợp cá, nhuyễn thể và rong biển đang cho thấy sự bền vững, giúp giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hồng Thắm.
Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì khai thác tốt tiềm năng mặt nước, đặc biệt là hồ chứa, hệ thống sông ngòi… Ưu tiên thúc đẩy sản xuất, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đối với nuôi biển, vừa qua chúng ta đã tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để họ nâng cao trình độ, kỹ thuật; xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, chẳng hạn như hàu và rong biển. Ngoài ra, cũng đang tiến tới phát triển các đối tượng khác như bào ngư, hải sâm, cá biển…
Đối với nuôi biển xa bờ, hiện nay nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia. Tôi tin rằng trong thời gian tới, nếu chúng ta giao được mặt nước biển vùng ngoài 6 hải lý cho các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì nuôi biển sẽ là một trong những thế mạnh bứt phá, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam