VASEP khuyến nghị DN thành viên tuân thủ tốt các quy định tại NĐ 37/2024 và các quy định chống khai thác IUU trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi phù hợp nghị định 37/2024

Ngày 26/7/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 83/CV-VASEP tới Các Doanh nghiệp thành viên Chương trình DN cam kết chống khai thác IUU của VASEP về việc Các DN thành viên tiếp tục cập nhật, tuân thủ tốt các quy định tại NĐ 37/2024 và các quy định chống khai thác IUU trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi phù hợp nghị định 37/2024

Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 37) có hiệu lực từ 19/5/2024 và Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 38) là khung pháp lý quan trọng điều chỉnh các biện pháp quản lý cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và chống khai thác IUU nói riêng.

Ngay khi 2 Nghị định mới được ban hành, Hiệp hội VASEP đã tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định mới của 2 Nghị định trên vào ngày 23/4/2024 và gần đây nhất là ngày 15/7/2024. Hiệp hội đã có văn bản số 54/CV-VASEP ngày 13/5/2024 báo cáo-kiến nghị tới lãnh đạo Bộ NNPTNT về các nội dung bất cập, vướng mắc. Theo đó, Hiệp hội hết sức chia sẻ với khó khăn của cộng đồng DN và đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh-kiến nghị của đông đảo các DN về một số quy định bất cập, vướng mắc và gây quan ngại lớn cho trước hết là cộng đồng DN và sau đó là các ngư dân khai thác biển. Cụ thể là:

  1. Quy định về kích thước khai thác tối thiểu tại phụ lục V, Nghị định 37 đối với cá ngừ vằn là 500mm (loài di cư, có giá trị thương mại lớn) và một số loài có sản lượng thương mại quan trọng khác như cá trích xương, mực ống, tôm sắt cứng, cá hố... là chưa phù hợp. Đặc biệt cá ngừ vằn là loài chiếm sản lượng khai thác chủ yếu đến trên 85% sản lượng khai thác các loài cá ngừ của ngư dân Việt Nam, là sản phẩm chính & thế mạnh của Việt Nam để tận dụng tối đa EVFTA mang lại và đang trong giai đoạn khai thác chính vụ (tháng 7-8-9). Nhưng do tỷ lệ chủ yếu trong các lô nguyên liệu này là cá ngừ vằn có kích thước nhỏ hơn 500mm, nên các DN đều đang không thể thu mua, các cảng cá cũng không thể thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu theo quy định, ngư dân không bán được sản phẩm và giá bắt đầu đang xuống thấp hơn  – tất cả đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho các bên, cơ hội cung ứng hàng cho EU và các nước giảm đi khi mùa vụ chính để khai thác/thu gom chỉ còn 2 tháng nữa,
  2. Qui định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37 là một quan ngại lớn tiếp theo đối với tất cả các DN sản xuất, xuất khẩu các SP hải sản khai thác khi đây không chỉ là một thông lệ thương mại XNK bình thường và doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh khi không vi phạm các quy định pháp luật, mà bản thân các DN cũng đang rất lúng túng khi không có định nghĩa cụ thể trong Luật Thủy sản cùng các văn bản hướng dẫn liên quan về quy định «trộn lẫn...» kể trên;
  3. Quy định thông báo trước khi cập cảng: 72 giờ (đối với tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản) và 48 giờ (đối với tàu container nhập khẩu) tại Nghị định 37 cũng đang khiến các DN băn khoăn vì thực tiễn sẽ không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container (chuyển từ các nước trong khu vực Đông Nam Á tới Việt Nam), chưa quy định rõ cảng đến là cảng đích hay cảng dỡ hàng (trong trường hợp cảng đích và cảng dỡ hàng là khác nhau) và đặc biệt “tên tàu” và “thời gian tàu đến” ghi trên hồ sơ chỉ là dự kiến, nhiều trường hợp không thể chính xác như thông báo qua email do thực tiễn việc đổi tàu & thời gian tàu chạy rất hay thay đổi.
  4. Nhiều yếu tố «đầu vào» và liên quan đến các khâu «phía trước» trong chuỗi khai thác ảnh hưởng đáng kể đến việc làm giấy S/C, C/C và cả H/C phục vụ cho XK khiến DN gặp nhiều khó khăn. Dù DN tăng cường kiểm soát, chọn lọc các nguồn nguyên liệu phù hợp trong khả năng có thông tin tối đa của DN, thì sau đó việc làm các giấy tờ trên vẫn gặp nhiều các bất cập, kéo dài. Các nguyên nhân chủ yếu gồm: tàu cá thiếu giấy chứng nhận/cam kết đủ điều kiện ATTP, nguyên liệu từ tàu cá sai nghề khai thác đã đăng ký, tàu cá khai thác sai tuyến/sai vùng quy định, tàu cá mất kết nối dữ liệu hành trình, nguyên liệu khai thác không đúng kích thước quy định, hay tình trạng chủ tàu cá chưa quen với việc TXNG điện tử eCDT nên cũng chưa tạo biên nhận mua bán hoặc không tạo biên nhận mua bán với DN trên app điện thoại…

Trước tình hình nhiều tác động đến sản xuất, kinh doanh cho cả doanh nghiệp và ngư dân sau 2 tháng Nghị định có hiệu lực, Hiệp hội đang tiếp tục nỗ lực xúc tiến các hoạt động chuyển tải & báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT.

Trong thời gian chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định và có các chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh của DN và ngư dân, Hiệp hội trân trọng đề nghị các DN thành viên chương trình DN cam kết chống khai thác IUU tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp kiểm soát, tuân thủ tốt các quy định tại Nghị định 37 nói riêng và các quy định pháp lý khác liên quan tới chống khai thác IUU – bao gồm cả 4 nhóm khó khăn-vướng mắc kể trên.

Một lần nữa, Hiệp hội hết sức chia sẻ với các khó khăn chồng chất của các DN chế biến XNK hải sản trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần đồng hành xuyên suốt với Chính phủ và Bộ NNPTNT trong chống khai thác IUU, Hiệp hội sẽ tiếp tục nỗ lực báo cáo, kiến nghị và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT để tháo gỡ kịp thời, đảm bảo đồng thời các yêu cầu về quản lý nhà nước, chống khai thác IUU và tạo điều kiện phù hợp cho doanh nghiệp & ngư dân có thể sản xuất, kinh doanh bình thường.

Công văn số 83/CV-VASEP

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục