Nhật Bản tìm cách phục hồi xuất khẩu sò điệp

(vasep.com.vn) Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu 67.327 tấn sò điệp trị giá 411,2 triệu USD, giảm 40% về khối lượng và 25% về giá trị so với năm 2022.

Chú thích ảnh

Ngành công nghiệp hải sản Nhật Bản đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sò điệp Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu.

Điều đó bao gồm việc thiết lập cơ sở chế biến ở Mexico và Việt Nam, đồng thời tăng cường xuất khẩu sò điệp sang Mỹ và quảng bá sang các thị trường mới, bao gồm Brazil.

Năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu 67.327 tấn sò điệp, trị giá 411,2 triệu USD, giảm 40% về khối lượng và 25% về giá trị so với năm 2022.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản Nhật Bản của Trung Quốc vào tháng 8/2023 sau quyết định xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Bảng dưới đây cho thấy tác động đáng kể của việc mất thị trường Trung Quốc đối với ngành công nghiệp sò điệp Nhật Bản. Trung Quốc chỉ nhập khẩu 52.897 tấn sò điệp Nhật Bản, trị giá 172,9 triệu USD vào năm 2023, giảm 47% về khối lượng và giảm 44% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Lưu ý rằng xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản có thể được chia thành hai nhóm: sò điệp có vỏ và sò điệp không vỏ. Khối lượng xuất khẩu sò điệp có vỏ lớn hơn nhiều, nhưng giá trị sò điệp không vỏ cao hơn.

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) sẽ khởi động một dự án thí điểm chế biến sò điệp Nhật Bản tại Mexico và xuất khẩu sang Mỹ. Dự án này dự kiến bắt đầu vào tháng 2/2024 với việc vận chuyển sò điệp đông lạnh đến Ensenada, Mexico để tách vỏ và kiểm tra.

Ngoài ra, JETRO cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với các nhà phân phối tại Los Angeles vào tháng 3/2024 để quảng bá sản phẩm.

Chế biến sò điệp tại Việt Nam

Nhật Bản đã bắt đầu chế biến sò điệp tại Việt Nam vào đầu tháng này. Động thái này là nỗ lực nhằm thay thế Trung Quốc với nguồn chế biến giá rẻ.

Theo thỏa thuận giữa Foodison, Ebisu Shokai, Ocean Road và Nosui, một container 20 tấn sò điệp Nhật Bản chưa tách vỏ sẽ được chế biến tại Việt Nam và được gửi lại Nhật Bản.

Chi phí nhân công ở Việt Nam chỉ bằng 20-30% so với ở Nhật Bản.

Các cơ sở chế biến tại Việt Nam đều đạt chứng nhận HACCP và sản phẩm có thể được xuất khẩu sang các thị trường ngoài Nhật Bản.

Sò điệp miễn phí ở New York, quảng cáo trên CNN

JETRO đang hợp tác với một công ty Nhật Bản để phát triển các kênh bán hàng cho sò điệp Nhật tại Mỹ. Dự án này sẽ cung cấp sò điệp miễn phí cho các nhà hàng ở New York City và các khu vực khác, khuyến khích họ thêm sò điệp vào thực đơn.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống nơi các sản phẩm Nhật Bản sẽ được mua thường xuyên sau khi các nhà hàng đồng ý đưa chúng vào thực đơn. Dự án sẽ diễn ra đến tháng 3 và được tài trợ từ ngân sách của chính phủ Nhật Bản vào tháng 9/2023.

Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Thực phẩm Nhật Bản ở nước ngoài đã bắt đầu phát sóng quảng cáo truyền hình 30 giây trên CNN vào tháng 12 để quảng bá sò điệp và các sản phẩm thủy sản khác.

Những quảng cáo này sẽ phát sóng trong vài tháng, giới thiệu hương vị thơm ngon của sò điệp từ Hokkaido, Nhật Bản, cách chế biến và khung cảnh làng chài xinh đẹp. Nhật Bản hiện đang dẫn đầu làn sóng nhập khẩu sò điệp của Mỹ, khi sản lượng nội địa của Mỹ giảm mạnh. Mỹ đã nhập khẩu 3.805 tấn sò điệp trị giá 79,9 triệu USD vào năm ngoái, tăng 75% về khối lượng và 51% về giá trị so với năm 2022.

Tại Brazil

Hai tuần trước, Bộ Nông Nghiệp Nhật Bản đã tổ chức 1 sự kiện tại Sao Paulo, Brazil nhằm giới thiệu sò điệp và các loại hải sản khác đến quốc gia Nam Mỹ này.

Sự kiện có sự tham dự của khoảng 100 người đại diện đến từ ngành hàng nhà hàng, phân phối thực phẩm và các ngành liên quan của Brazil. Tại đây, khách mời được thưởng thức sò điệp từ Hokkaido và cá đuôi vàng từ tỉnh Ehime.

Mục đích của sự kiện là thu hút du khách đến Brazil, một quốc gia có đông đảo người gốc Nhật sinh sống và tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Patricia Akemi Fuzisaka, một người Nhật Bản-Brazil thế hệ thứ ba điều hành nhà hàng ở Sao Paulo, tin rằng các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản có tiềm năng được người Brazil đón nhận rộng rãi.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục