Hoàn tất thu hoạch tôm, Sao Ta thực hiện 75% kế hoạch doanh số

Tháng 8/2024, doanh số của Sao Ta đạt 30,38 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ, trong đó sản xuất tôm thành phẩm tăng tới 74%.

Chú thích ảnh

Mới đây, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đã công bố thông tin về doanh số tiêu thụ tháng 8/2024. Tháng này, công ty ghi nhận doanh thu đạt 30,38 triệu USD, tăng gần 36% so cùng kỳ.

Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm 3.450 tấn, tăng 74% so cùng kỳ do công ty có ký kết nhiều hợp đồng với khách hàng nên phải gia tăng chế biến để thực hiện giao hàng đúng tiến độ hợp đồng. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.726 tấn, tăng 36% so với tháng 8/2023.

Trong khi đó, sản xuất nông sản thành phẩm giảm 42% so với cùng kỳ xuống 44 tấn. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 116 tấn, tăng 37% so cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 156,6 triệu USD. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Như vậy, với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 75% kế hoạch đặt ra.

Sao Ta cho biết, tính đến tháng 8, các trại nuôi của công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm và đang cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới khi thời tiết thuận lợi trở lại.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2024, xuất khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng khởi sắc hơn. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm tăng 11%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng qua.

Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và EU tăng lần lượt 24% và 32%, trong khi xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%, sang Hàn Quốc giảm 21%.

Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD,tăng 4%, tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần 3 lần đạt 145 triệu USD.

Hoàn tất thu hoạch tôm, Sao Ta thực hiện 75% kế hoạch doanh số- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu FMC.

Thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT Sao Ta Hồ Quốc Lực nhận định, năm 2023, ngành tôm Việt phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu; lạm phát neo cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ chính của tôm Việt là Ecuador và Ấn Độ.

Mặc dù không gặp phải hiện tượng lạm phát leo thang như các nước phương Tây, thị trường lớn nhất của FMC là Nhật Bản cũng bị tác động bởi vấn đề sức mua yếu và tỷ giá liên tục tăng cao.

Năm 2024, Sao Ta cho rằng, thách thức của ngành tôm vẫn sẽ còn kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu năm, thậm chí có thể với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với năm 2023. Trong đó, vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu; vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ có thể làm giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tôm Việt.

Theo báo người đưa tin

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục