Hải quan và VASEP: Cốt lõi niềm tin trong thỏa thuận hợp tác

Nêu kết quả trong công tác hợp tác, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, qua hơn 20 năm triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Hải quan và VASEP mà cốt lõi là niềm tin đã làm cầu nối lan tỏa đến cộng đồng DN.

Chú thích ảnh

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, từ năm 2003, VASEP đã chủ động xây dựng, ký kết thỏa thuận với cơ quan Hải quan. Qua quá trình triển khai thực hiện, năm 2013, hai bên đã đánh giá, tổng kết và tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác cho đến nay. Hơn 20 năm thỏa thuận hợp tác, cơ quan Hải quan luôn quan tâm đồng hành cùng DN thủy sản, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động XNK và DN kinh doanh, sản xuất mặt hàng thủy sản.

Ngay từ năm 2003, VASEP đã triển khai thỏa thuận hợp tác với cơ quan Hải quan và năm 2013 tiếp tục ký tiếp nối với 9 nội dung phối hợp cụ thể. Có thể nói, VASEP đã đồng hành và thường xuyên làm việc, trao đổi định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm với các đơn vị thuộc Tổng cục, đặc biệt là Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan (đơn vị đầu mối của Tổng Hải quan) nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN.

“Kết quả lớn nhất mà hơn 20 năm qua thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị đạt được chính là niềm tin. Niềm tin đó đã lan tỏa đến tất cả các DN dù rất nhỏ trong ngành hàng thủy sản”, ông Nam chia sẻ.

Ví dụ, cách đây một tuần thôi, những DN nhỏ và rất nhỏ ngành thủy sản có hoạt động sản xuất tại tỉnh Kiên Giang có báo cáo kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan nhưng DN đã chủ động tham vấn với VASEP chặt chẽ và gửi cho cả hiệp hội để VASEP tiếp tục tham vấn với cơ quan Hải quan.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, ngành Thủy sản có 2 vụ kiện chống bán phá giá lớn và kéo dài suốt 20 năm và cho đến bây giờ lội ngược dòng để thành công là có vai trò rất lớn của ngành Hải quan. Bởi đối với các vụ điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong rất nhiều trường hợp họ yêu cầu cung cấp dữ liệu để xác minh và xác thực.

Tuy nhiên, để có được dữ liệu gửi tới DOC, VASEP phải làm việc và xin hỗ trợ từ phía cơ quan Hải quan cung cấp liên quan đến thống kê, số thuế, thậm chí cả quy trình giám sát, quản lý rủi ro trong quá trình làm thủ tục XK lô hàng.

Nhấn mạnh về kết quả, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Trong rất nhiều hoạt động, cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành, chúng tôi nhận thấy, Tổng cục Hải quan là một đơn vị luôn luôn tiên phong về công tác cải cách, hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan”.

Cũng theo ông Nam, cơ quan Hải quan tích cực cải cách nhằm đáp ứng các cam kết theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cải cách còn phục vụ cho mục tiêu chung mà Chính phủ đề ra trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập của Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ, hoạt động giao thương, XNK hàng hóa đang ngày càng phát triển không ngừng. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống điện tử. Điện tử có những ưu việt và cũng có nhiều bất cập nếu xảy ra sự cố, tắc nghẽn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người dân và DN.

Do đó, để phát huy hiệu quả quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan – DN và các bên liên quan, VASEP kiến nghị và mong muốn Tổng cục Hải quan ưu tiên và quan tâm cải tiến, cải cách sâu hơn nữa các hệ thống công nghệ thông tin điện tử.

Đồng thời, trong tiến trình cải tiến, cải cách các hệ thống sẽ kéo theo quá trình sửa đổi, bổ sung nội luật, quy trình, thời gian, nguồn nhân lực... Cụ thể, cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa các hệ thống chia sẻ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để khi cơ quan quản lý Việt Nam phát hành cấp C/O cho DN xuất hàng sẽ đảm bảo chắn chắn việc cơ quan quản lý các nước trong khu vực và quốc tế nhận được.

Theo Tạp chí Hải quan online

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục