Nhận thức đúng đắn về tiềm năng của thị trường trong nước, các doanh nghiệp thủy sản đang tích cực xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm nội địa. Trong đó, miền núi, vùng sâu, vùng xa được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng.
Tham dự Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo do Bộ Công Thương tổ chức tại Hải Phòng, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh khó khăn của năm 2022 - 2023, các doanh nghiệp thủy sản đã có sự thay đổi về nhận thức, về chuyển dịch cơ cấu thị trường. Khó khăn của thị trường nước ngoài đã khiến cho các doanh nghiệp quay trở lại thị trường nội địa. Trong đó, thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng.
Hiện nay, mức sống của người dân tại miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện. Nhận thức của người dân về thực phẩm, về dinh dưỡng thay đổi, nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có thủy sản tăng hơn so với trước. Đây là những cơ hội để các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại phân khúc thị trường này.
Bên cạnh đó, những khu vực này thu hút rất nhiều khách du lịch ở trong nước cũng như quốc tế, là cơ hội tốt để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương nói chung và thủy sản nói riêng. Ngoài ra, cửa khẩu biên giới vẫn là một kênh giao thương tốt bên cạnh đường biển. Đây là kênh giao thương cần được quan tâm, nhận thức đúng về tiềm năng phát triển, đẩy mạnh truyền thông và phát huy hơn nữa.
Từ góc độ người làm trong ngành thuỷ sản, bà Lê Hằng đánh giá cao các chương trình kết nối của Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương khi quy tụ được những sản phẩm được chứng nhận OCOP
Những chương trình xúc tiến thương mại với thị trường quốc tế đang triển khai rất tốt. Song song với đó, những hội chợ, hội nghị kết nối địa phương thúc đẩy thị trường trong nước như Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng cần được nhân rộng và đẩy mạnh.
Nhận thức đúng đắn về tiềm năng của thị trường trong nước, các doanh nghiệp thủy sản đã tích cực xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử bằng việc tham gia nhiều hơn vào các nền tảng như TikTok, Facebook để livestream bán hàng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là hình thức bán hàng mang tính chất nhỏ lẻ. Bà Lê Hằng đề xuất có những khuôn khổ hợp tác theo chuỗi để bán hàng tại thị trường trong nước. Trong đó, các kênh online cũng cần một đầu mối để hợp tác với các doanh nghiệp thủy sản.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chung, các chương trình hội nghị thúc đẩy tiêu thụ riêng biệt cho một mặt hàng nông sản ví dụ như cà phê đã đạt được những thành công và hiệu quả nhất định. Vì vậy, đại diện cho các doanh nghiệp thủy sản, bà Lê Hằng mong muốn sẽ có một chương trình hội nghị thúc đẩy tiêu thụ thủy sản trong nước.
VASEP rất mong muốn được hợp tác để tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản
Đánh giá khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là thị trường có tiềm năng, bà Lê Hằng khuyến nghị các doanh nghiệp cần có các hoạt động chuyên biệt, hướng đến phân khúc thị trường quy mô nhỏ lẻ này như chương trình khuyến mại giảm giá, nghiên cứu các sản phẩm phù hợp thị hiếu, giá cả. Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề cạnh tranh với sản phẩm từ các nước láng giềng như Trung Quốc và các quốc gia khác để có những giải pháp marketing phù hợp.
Trong bối cảnh thị trường nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… vẫn đang khó khăn, những chương trình như Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là một trong những cơ hội cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng, giúp doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc và quan tâm hơn đến thị trường trong nước. Đây là một giải pháp thúc đẩy, giải quyết đầu ra cho bà con ngư dân, trong đó có những bà con ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong tương lai.
Theo báo Công thương