Quy định phí tái chế EPR có nhiều điểm bất hợp lý

Bên cạnh nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về EPR…

Ngoài những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường, thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải đối với doanh nghiệp thủy sản, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo) còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch.

Theo bà Hoàng Thị Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), với cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí trong Dự thảo khiến nhiều Hiệp hội và doanh nghiệp quan ngại khi thấy rằng khoản tiền lớn này sẽ là nằm ngoài ngân sách Nhà nước, và có thể sẽ không chịu các quản lý theo luật phí và lệ phí, mà do Văn phòng EPR tự quyết định.

Cũng theo bà Ánh, khi Văn phòng EPR thu tiền để tái chế thay cho doanh nghiệp thì rõ ràng Văn phòng EPR phải chịu trách nhiệm về việc tái chế đó, nhưng Dự thảo không có bất cứ quy định nào về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm thì Văn phòng EPR có chịu trách nhiệm trước pháp luật không (Bộ Công Thương cũng có ý kiến góp ý về vấn đề này).

“Vì vậy, với quy định này, các Hiệp hội quan ngại rằng doanh nghiệp phải nộp thêm khoản tiền "đóng góp" tái chế nhưng điều gì và cơ sở nào đảm bảo rằng môi trường sẽ đảm bảo hơn, sạch hơn? Liệu đây có giống chuyện đổi tên Trạm Thu Phí thành Trạm Thu Giá của Bộ GTVT trước đây để né Luật Quản lý phí và lệ phí, bị dư luận phản đối mạnh nên cuối cùng phải bỏ?”, bà Ánh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi mà không có quy định giám sát quản lý thì giống như việc hùn vốn cho 1 Công ty gia đình mà cả Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và Thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra.

Ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, công thức tính phí là chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu của Dự thảo là quá cao, vì ngay cả Châu Âu lúc đầu cũng chỉ đạt 50-60%, rất khó thực thi, cần phải có lộ trình đầu tiên thấp, sau tăng dần.

Từ đó, ông Sơn đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 01/01/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thực tế, liên quan đến các bất cập, vướng mắc đã nêu, trước đó, tại văn bản trả lời Công văn số 3634/BTNMT-TCMT ngày 02/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng:

Điều 99.2 Dự thảo quy định đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu là một trong các thành viên Hội đồng EPR. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về số lượng, thành phần đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu trong Hội đồng EPR, EPR là hoạt động bao gồm nhiều ngành hàng khác nhau – với mỗi ngành hàng lại có những lợi ích tương đối biệt lập và khác nhau và với mỗi ngành hàng lại có các đơn vị với lợi ích trái ngược nhau (chẳng hạn: các doanh nghiệp tự tái chế được sẽ có lợi ích khác với các doanh nghiệp không có khả năng này, phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường).

Theo VCCI, Hội đồng EPR là đơn vị quản lý hoạt động này với nhiều thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng, nên cần có khả năng đại diện được lợi ích của tất cả các nhóm doanh nghiệp có liên quan. Mặt khác, số lượng thành viên Hội đồng EPR lại chưa được xác định, các quy định này khiến các doanh nghiệp không rõ Hội đồng EPR có thể đại diện như thế nào cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ về đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu trong Hội đồng EPR, chẳng hạn như số lượng đại diện doanh nghiệp, cách lựa chọn đại diện doanh nghiệp và có thể cân nhắc ban hành một Phụ lục về đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc Hội đồng EPR.

Hay như, Điều 100 Dự thảo quy định Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập.

VCCI cho rằng, quy định này cần xem xét về tính phù hợp với Điều 2.1 Nghị định 53/2006/NĐ-CP khi đối tượng thành lập các đơn vị trên phải là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập.

Bên cạnh đó, Điều 89 Dự thảo quy định nguồn tài chính phục vụ hoạt động của Văn phòng EPR lại từ Quỹ Bảo vệ môi trường thông qua khoản đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế bằng 5% chi phí tái chế sản phẩm, bao bì.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp thì việc yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp chi phí hoạt động cho Văn phòng EPR là không hợp lý do Văn phòng EPR là tổ chức do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR thành lập, quyết định cơ cấu và cách thức hoạt động.

Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng cho rằng Văn phòng EPR là cơ quan đóng vai trò điều phối, quản lý các hoạt động tái chế, đóng góp tài chính của doanh nghiệp, trong đó có những nội dung rất quan trọng như khảo sát tỷ lệ tái chế, khảo sát định mức chi phí tái chế. Các nội dung trên yêu cầu Văn phòng EPR có mô hình hoạt động năng động, hiệu quả, linh hoạt như tư nhân.

Như vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi mô hình Văn phòng EPR theo một trong hai hướng: Văn phòng EPR là tổ chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước hoặc Văn phòng EPR do đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu của Hội đồng EPR thành lập và kinh phí hoạt động từ khoản đóng góp của doanh nghiệp tại Điều 89 Dự thảo. Hai phương án này có thể xem xét tách riêng để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

(Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM