Kiến nghị bỏ quy định kích thước đối với cá ngừ vằn

Đây là đề xuất của nhiều doanh nghiệp thu mua và chế biến xuất khẩu cá ngừ tại cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

Sáng 30/8, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024. Trong đó tập trung trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với quy định cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 50cm.

Tại cuộc họp bàn, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá ngừ đều ủng hộ vấn đề bảo vệ nguồn lợi nhưng cho rằng, cần có những biện pháp phù hợp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như đời sống của ngư dân. Hiện nay, quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm đang đẩy cả doanh nghiệp lẫn ngư dân vào thế khó.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng chủ trì cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng chủ trì cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Phú Yên) cho biết, cá ngừ vằn đánh bắt có 3 kích cỡ là 300 - 500g, 500 - 1.000g và trên 1.000g, trong đó kích cỡ chủ yếu là 500 - 1.000g, tương đương 15 -  20cm, tùy vùng biển. Như vậy quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm là chưa phù hợp thực tiễn bởi sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp, cần sớm bỏ quy định này.

“Hiện chúng tôi có 40 container hàng đi châu Âu nhưng chưa dám nhận vì theo quy định xuất khẩu sang thị trường này phải có giấy chứng nhận thủy sản khai thác. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 37 hiện nay thì doanh nghiệp rất bế tắc”, ông Hòa nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Foodtech (Long An) chia sẻ, do vướng mắc quy định về đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm, nên mấy tháng nay doanh nghiệp không còn cá để thu mua và xuất khẩu. Họ lo lắng về khả năng tận dụng các ưu đãi từ các nước trong những tháng cuối năm.

“Nếu không tháo gỡ được thì tương lai của doanh nghiệp như chúng tôi hay những doanh nghiệp khác rất mờ mịt, khó tồn tại”, đại diện Foodtech chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) thông tin, hàng năm ngoài nguyên liệu thu mua trong nước, Công ty nhập khẩu 60.000 - 70.000 tấn cá ngừ từ 20 quốc gia trên thế giới, và không có quốc gia nào quy định kích thước khai thác, chỉ quản lý bằng hạn ngạch.

Ông Lĩn cho rằng, nên bỏ quy định kích thước và chỉ quản lý bằng hạn ngạch, đồng thời đề xuất tham khảo cách quản lý của Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng phù hợp thực tế của Việt Nam.

Cùng quan điểm, bà Võ Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Ngọc Hà (Bình Định) mong muốn sớm sửa đổi quy định liên quan đến kích thước cá ngừ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và ngư dân vững tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Rà soát lại để tìm “tiếng nói chung”

Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho hay, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam từ năm 2005 đến nay đã giảm trên 30%, nhất là đối với nhóm cá đáy. Đối với cá ngừ vằn, nguồn lợi đã giảm 80% giai đoạn 2000 - 2005 đến nay. Đây là một vấn đề mà các nhà khoa học và quản lý rất trăn trở. 

“Chúng ta đều nhận thức được bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang suy giảm cực kỳ nghiêm trọng và nghề cá đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Rõ ràng cần biện pháp quản lý hiệu quả”, ông Bát nhấn mạnh.

Theo ông Bát, thế giới áp dụng biện pháp quản lý đầu vào và đầu ra. Quản lý đầu vào gồm cường lực khai thác, số lượng tàu thuyền, bảo tồn, kích thước khai thác...; còn đầu ra thì quản lý thông qua hạn ngạch khai thác, tổng sản lượng khai thác cho phép… Đây là vấn đề chúng ta đang đề cập rất nhiều đối với quản lý loài cá di cư như cá ngừ.

Cục Kiểm ngư sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT rà soát, sửa đổi quy định, nhưng quan điểm 'vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch'. Ảnh: Kim Sơ. 

Cục Kiểm ngư sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT rà soát, sửa đổi quy định, nhưng quan điểm “vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch". Ảnh: Kim Sơ

“Quản lý đầu ra là xu hướng phù hợp, nhưng trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần tập trung vào quản lý đầu vào, vì chúng ta chưa có hạn ngạch và vẫn đang trong quá trình xây dựng,” ông Bát cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải chọn ra phương pháp quản lý nào dựa trên thực tiễn, thông lệ quốc tế và khoa học.

“Chúng tôi rất hiểu trăn trở của cơ quan quản lý nhà nước là làm sao để phù hợp với mục tiêu của quản lý nhà nước trong bối cảnh cá ngừ là loài di cư. Tuy nhiên, chưa thấy quốc gia nào kiểm soát về kích thước như vậy, ngay cả WCPFC cũng không có khuyến cáo nào liên quan đến vấn đề này”, ông Nam nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Kiểm ngư là cơ quan tham mưu cho Bộ NN-PTNT về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc cơ quan quản lý nhà nước tham mưu để xây dựng Nghị định 37 quy định về hạn ngạch, kích thước khai thác với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài cho bà con và đáp ứng nguồn nguyên liệu lâu dài cho doanh nghiệp, quan điểm này hoàn toàn đúng. Đây cũng là xu hướng của thế giới về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về lâu dài, về chiến lược, vẫn phải là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã được định hướng rõ trong Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Luật Thủy sản. Ông Hùng khẳng định: “Việc quy định kích thước khai thác về quan điểm là hoàn toàn đúng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, đề xuất của VASEP cũng như doanh nghiệp là chính đáng. Cục Kiểm ngư sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT rà soát, sửa đổi quy định, nhưng quan điểm “vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch”. Tuy nhiên cần tính toán kích thước thế nào để vừa phù hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời hỗ trợ sản xuất, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và ngư dân.

Theo Nông nghiệp Việt Nam 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục