VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành thông tư mới hơn là sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm dịch

(vasep.com.vn) VASEP và các doanh nghiệp thành viên đánh giá cao nội dung dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến. Vì dự thảo này đã xem xét các ý kiến góp ý của VASEP về việc bãi bỏ quy định thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất XK (SXXK), gia công XK (GCXK), không tiêu thụ trong nước.

VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT ban hành thông tư mới hơn là  sửa đổi bổ sung các quy định về kiểm dịch

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT, thay vì ban hành thông tư sửa đổi thì Bộ nên xem xét ra Thông tư mới thay thế cho Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT (TT 26/2016) và các thông tư sửa đổi bổ sung liên quan.

Theo VASEP, TT 26/2016 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản ban hành từ năm 2016 đến nay đã hơn 6 năm và đã có nhiều nội dung được sửa đổi bổ sung bằng Thông Tư 36/2018 và Thông Tư 11/2019 cho nên việc ban hành một Thông tư tiếp tục sửa đổi và bổ sung sẽ không hiệu quả khi tra cứu, thực thi cũng như xử lý vi phạm xảy ra.

Hơn nữa, các nội dung sửa đổi cũng khá nhiều, nhất là hệ thống phụ lục có nhiều cập nhật cho phù hợp với tình hình mới. Việc tích hợp các nội dung trong dự thảo mới vào Thông Tư 26/2016 và các nội dung sửa đổi ở Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2019 để ban hành một Thông tư mới sẽ tạo thành một văn bản pháp luật hoàn chỉnh và thống nhất cho các Quy định liên quan đến kiểm dịch thủy sản.

Các DN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT giữ nguyên quy định để sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín miễn kiểm dịch và hàng thủy sản NK dạng đông lạnh dùng làm thực phẩm và dầu cá cũng không phải kiểm dịch.

Tại Điều 2 của Dự thảo bãi bỏ Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT (TT 11/2019). VASEP đề nghị không bãi bỏ vì TT 11/2019 được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN hải sản có NK nguyên liệu gián tiếp qua cảng trung chuyển khỏi bị ùn ứ tại cảng, không được kiểm dịch để thông quan vì không xin được Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Nay TT 11/2019 bị bãi bỏ thì nút thắt quá khứ này sẽ bị lặp lại.

Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để SXXK, GCXK, bổ sung Danh mục các hồ sơ cần thiết mà DN phải nộp cho Cơ quan Thú y để kiểm soát hồ sơ nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu theo các quy định về IUU.

Tại công văn 263/BNN-TY ngày 13/01/2022 của Bộ NN&PTNT có nêu “…, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn cách gửi hồ sơ như: gửi qua dịch vụ bưu chính công; qua email, fax sau đó gửi bản chính, gửi qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia”. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, đến nay các DN vẫn nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia và sau đó phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hồ sơ giấy đến cơ quan kiểm dịch (vừa phải làm thủ tục online, vừa phải làm thủ tục offline). Do đó, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép doanh nghiệp được hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ kiểm dịch hoàn toàn trên các kênh online, không phải nộp hồ sơ giấy để tiết giảm thời gian, chi phí thực hiện cho DN.

Hiện sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu đã được đóng gói và kinh doanh nội địa, không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào làm thay đổi bản chất sản phẩm thì việc phải làm hồ sơ tự công bố lần 2 khi bán ra thị trường nội địa (tự công bố lần 1 ngay khi nhập khẩu) thực sự là không cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể cho vấn đề này. Vì vậy, VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ Y tế để có văn bản hướng dẫn Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm NK phục vụ tiêu thụ nội địa.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM