Tổng hợp tin thủy sản, tuần từ ngày 28/3-1/4/2022

(vasep.com.vn) 4 loài thủy sản xuất khẩu sang Nhật phải có chứng nhận khai thác; Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023; Giá thủy sản tại Trung Quốc tiếp tục tăng.

Tổng hợp tin thủy sản tuần từ ngày 283142022

Nhu cầu loin cá ngừ hấp của EU đã đạt mức cao nhất? Sau nhiều năm tăng lượng tiêu thụ loin cá ngừ hấp đông lạnh, nhu cầu của các nhà sản xuất đồ hộp EU trong năm 2021 dường như đã ổn định trở lại, với khối lượng NK tương đương so với năm trước. Bất chấp xu hướng này, NK loin cá ngừ hấp của EU từ Papua New Guinea và Philippines vẫn tăng so với năm 2020.

Nga: Giá thủy hải sản nội địa tăng 52% trong tháng 3/2022. Các biện pháp trừng phạt và sự tăng giá của đồng đô la cũng ảnh hưởng đến thị trường thủy sản. Ví dụ, Hoa Kỳ cấm nhập khẩu thuỷ hải sản và hàng hóa khác từ Nga. Các hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các mặt hàng có liên quan vào Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giá cả tăng vô điều kiện. Một số loại hải sản thậm chí có thể trở nên dễ tiếp cận hơn.

4 loài thủy sản xuất khẩu sang Nhật phải có chứng nhận khai thác. Theo thông báo từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản sẽ áp dụng yêu cầu giấy chứng nhận thủy sản khai thác (Catch Certificate) cho 4 loài là mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) khi nhập khẩu vào Nhật Bản. 

Giá thủy sản tại Trung Quốc tiếp tục tăng. Theo tin từ SeafoodSource, giá thủy sản bán buôn ở Trung Quốc tháng 2/2022 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 0,9% trong chỉ số giá tiêu dùng chung của nước này. 

Giá thủy sản tại Nhật Bản tăng vì chiến sự Ukraine? Hãng thông tấn The Japan Times đưa tin vào ngày 19/3, giá thủy sản nhập khẩu, từ cá hồi đến cua, đã tăng ở Nhật Bản do tình hình chiến sự ở Ukraine. 

Người tiêu dùng phương Tây yêu cầu các nhà máy chế biến Trung Quốc không sử dụng cá Nga. Một số người tiêu dùng thủy sản ở châu Âu và Bắc Mỹ đang yêu cầu các nhà chế biến cá thịt trắng Trung Quốc tránh sử dụng cá đánh bắt của Nga.

Giá cá ngừ vằn Bangkok tăng 10%. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng tới ngành cá ngừ toàn cầu cũng như các ngành công nghiệp khác. Cuộc xung đột này đã khiến giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo chi phí đánh bắt tăng và các chủ tàu đã tăng giá bán cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh tại Bangkok.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi thư chúc mừng ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 – 01/4/2022), thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Thư chúc mừng tới các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp Ngành Thủy sản, cùng bà con nông, ngư dân trên cả nước.

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023. Ngành ngân hàng sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ba loại thuế được đề xuất lùi thời hạn nộp trong năm 2022. Bộ Tài chính vừa dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Na Uy: Giá cá tuyết cod và cá haddock tươi giảm, cá đông lạnh tăng. Trong năm 2022, giá cá tuyết cod tươi đã liên tục cao hơn so với năm 2021. Giá cá tuyết cod tươi hiện tăng 45% so với tuần 11 của năm 2021, khi giá giảm xuống chỉ còn 28,94 NOK/kg. Đối với cá tuyết cod đông lạnh, mặc dù không xuất được nhiều (20 tấn) trong 11 tuần đầu của năm 2021, tính đến nay, Na Uy đã xuất khẩu 1.803 tấn cá tuyết cod đông lạnh sang thị trường Hoa Kỳ. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cá tuyết cod đông lạnh sang Trung Quốc cũng tăng từ 6.581 tấn lên đến 10.108 tấn. Đối với cá haddock tươi, sự gia tăng nguồn cung thậm chí còn đáng chú ý hơn so với cá tuyết cod. Cũng giống như cá tuyết cod đông lạnh, cả giá và khối lượng cá haddock đông lạnh đều tăng.

Sản lượng đánh bắt cá ngừ tại WCPO tháng 2/2022 giảm. Tại các vùng biển tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO), sản lượng cá ngừ đánh bắt được của các tàu lưới vây trong tháng 2 giảm. Nguyên nhân một phần là do hoạt động đánh bắt trong tháng này giảm, mặc dù sản lượng cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng đánh bắt hàng ngày cũng giảm.

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 giữ vững tăng trưởng 25%. Xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, vẫn duy trì tăng trưởng 25%, bất chấp chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn XK thuỷ sản sang Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến, XK thuỷ sản.

Sản lượng đánh bắt cao giúp giá cá thịt trắng Iceland ổn định. Giá cá nguyên liệu của Iceland gần đây đã giảm nhẹ do sản lượng khai thác tăng cao mặc dù nhu cầu đối với cá thịt trắng không có xuất xứ Nga vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU năm 2021 hồi phục. Tiêu thụ cá ngừ đóng hộp của các nước EU hồi phục mạnh trong năm 2021. Mặc dù vậy, khối lượng NK của nước này vẫn chưa quay trở lại mức của năm 2019, thời điểm trước khi xẩy ra đại dịch Covid-19. Người mua hàng tại nhiều nước EU đã ổn định nhu cầu, trong khi tại các nước sản xuất như Tây Ban Nha và Italy, các nhà NK tỏ ra dè dặt hơn trong việc thu mua.

Tháng 3, hàng container nhập khẩu qua cảng biển tăng 12%. Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam vừa thông tin, 3 tháng đầu năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 180 triệu tấn.

Quảng Ninh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC thuỷ sản. Mặc dù đã đạt được những kết quả trong giám sát đánh bắt thủy sản, song mục tiêu chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại cần khắc phục ngay. Đó là hạ tầng nghề cá, hiện Quảng Ninh chưa có các cảng cá hoàn thiện, được công nhận và công bố đủ điều kiện hoạt động; qua đó chưa có cơ sở để thực hiện việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hay xác nhận nguyên liệu thủy sản, một trong những yêu cầu đưa ra của EC.

Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bắc Mỹ. Nhằm triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 đã được phê duyệt, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2022 để trưng bày giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng tại gian hàng riêng và gian hàng chung diện tích 1600 feet vuông.

Phát triển cảng biển giúp hàng hóa xuất khẩu ĐBSCL 'cất cánh'. Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu thì giảm chi phí logistics hiện vẫn là bài toán cần tìm lời giải càng sớm càng tốt. Theo đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, thúc đẩy đầu tư cho hệ thống cảng biển nói riêng đang được coi là “chìa khóa” để đạt được mục tiêu trên.

Vận tải biển ảnh hưởng như thế nào bởi xung đột Nga-Ukraine? Trong khi thế giới đang chật vật tìm cách phục hồi do ảnh hưởng từ đại dịch thì xung đột Nga – Ukraine tiếp tục giáng một đòn mạnh vào các chuỗi cung ứng, làm nghiêm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn vận chuyển, vốn đang vật lộn với việc thiếu container rỗng. Bên cạnh đó, giống như các doanh nghiệp vận tải hàng không, nhiều doanh nghiệp vận tải biển lớn nhỏ cũng thông báo tạm thời ngưng vận chuyển hàng tới Nga và Ukraine vì lo ngại vấn đề an toàn.

Cước tàu biển vẫn tăng chóng mặt. Một trong những nguyên nhân khiến cước tàu biển tăng phi mã so với trước khi bùng phát dịch là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài dẫn đến khan hiếm container rỗng tại châu Á.

TP HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4. Sau hai lần lùi kế hoạch, TP HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ 0h ngày 1/4, mức thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. 

Mỹ: Lạm phát cao làm giảm doanh thu bán lẻ thủy sản. Doanh thu bán lẻ thủy sản tại Mỹ giảm mạnh tới thời điểm hiện tại trong năm 2022, chủ yếu do lạm phát tăng cao. Mức giá tăng có thể thấy ở các cửa hàng bán lẻ, cùng với mức tăng 7,9% của chỉ số giá tiêu dùng của 12 tháng tính đến tháng 2/2022, mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/1981. Giá trung bình trên từng đơn vị sản phẩm của các mặt hàng thực phẩm và đồ uống tăng 10,3% trong tháng 2/2022 so với năm 2021 và tăng 16,8% so với năm 2020, theo số liệu của IRI và 210 Analytics. 

Nhật Bản bãi bỏ Tối huệ quốc và áp thuế một số mặt hàng thủy sản Nga. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo ngày 16/3 rằng Nhật Bản sẽ bãi bỏ quy chế Tối huệ quốc đối với Nga. Điều này có khả năng dẫn tới cua tuyết, cá hồi và các mặt hàng khác từ Nga chịu mức thuế cao khi nhập khẩu vào Nhật Bản.

VASEP và ILO phát hành “Tài liệu Hướng dẫn Thực hành Phòng ngừa Lao động trẻ em trong Chuỗi cung ứng Thủy sản”. Tháng 3/2022, Hiệp hội VASEP và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp thực hiện và phát hành cuốn “Tài liệu hướng dẫn thực hành phòng ngừa lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng thủy sản”, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE).

Minh Trang

Nguồn ảnh: FAI Farms

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục