Tổng hợp tin thủy sản, tuần từ ngày 14-18/3/2022

(vasep.com.vn) Xuất khẩu cá ngừ, cá tra sang EU khởi sắc đầu năm; Xuất khẩu cá tra, mực bạch tuộc và cua ghẹ sang Trung Quốc tăng vọt; Chủ hàng Việt lại “ngồi trên lửa” vì cước vận tải container; Thị trường cua thế giới: Nguồn cung giảm, giá tăng trong năm nay

Tổng hợp tin thủy sản tuần từ ngày 142032022

Nguồn ảnh: VietnamPlus

Xuất khẩu cá ngừ sang EU khởi sắc đầu năm. Sau một năm nhiều biến động, xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường trong khối EU đã phục hồi, giá trị XK đạt gần 15 triệu USD. Mức tăng trưởng cao 82% so với cùng kỳ báo hiệu một năm khởi sắc của cá ngừ Việt Nam tại khối thị trường này. Dự kiến, xu hướng tăng trưởng XK cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Tuy nhiên, năm nay do cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng leo thang nên các DN chế biến và XK cá ngừ Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với thách thức như chi phí vận chuyển tăng, chi phí sản xuất tăng. 

Xuất khẩu cá tra, mực bạch tuộc và cua ghẹ sang Trung Quốc tăng vọt tới 240%. Hai tháng đầu năm 2022, XK thuỷ sản sang Trung Quốc & Hongkong tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đạt 170 triệu USD. Trong đó, đột phá nhất là cá tra, tăng 240%, cua ghẹ tăng 198% và mực bạch tuộc tăng 146%. Tuy nhiên, Trung Quốc thay đổi thường xuyên những quy định về NK. Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định mới về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, tăng cường tìm hiểu nhu cầu của từng phân khúc thị trường tại Trung Quốc, nghiên cứu mẫu mã, bao bì, nhãn mác.

Xuất khẩu cá tra sang EU tăng trở lại sau nhiều tháng “đóng băng”. Sau ít nhất 2 năm liên tiếp XK cá tra sang EU giảm sút và số lượng DN Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng, bắt đầu từ năm 2022, có những hi vọng trở lại ở thị trường này. Cho đến nửa đầu tháng 2/2022, tổng giá trị XK cá tra sang EU đạt 20,2 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Đức và Tây Ban Nha là 4 thị trường XK cá tra đơn lẻ lớn nhất trong khối của các DN thủy sản Việt Nam. 

Thị trường cua thế giới: Nguồn cung giảm, giá tăng trong năm nay. Ngư trường khai thác cua hoàng đế và cua tuyết tại vùng biển Bering đóng cửa trong phần lớn thời gian của năm 2021 và dự kiến vẫn tiếp tục đóng cửa trong năm 2022. Do vậy, nguồn cung mặt hàng này vẫn thấp và giá liên tục tăng. Nhu cầu cua tuyết và cua hoàng đế năm 2021 đạt mức cao. Tuy nhiên, nguồn cung cua lớn duy nhất trên thị trường là Nga trong năm 2021 phải đối mặt với khó khăn về logistics, thiếu container, cước vận tải tăng mạnh. Do vậy giá cua trở nên đắt đỏ vì phải gánh thêm nhiều chi phí.

Giá cá tra giống tăng mạnh. Tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL như An Giang, Ðồng Tháp... cá tra giống loại 30-35 con/kg có giá 55.000-58.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021. Giá cá tra giống tăng mạnh do nguồn cung hạn chế và sức mua tăng khi gần đây giá cá tra nguyên liệu phục hồi mạnh đã kích thích người dân thả nuôi trở lại.

Chủ hàng Việt lại “ngồi trên lửa” vì cước vận tải container. Giá cước vận tải biển đi các chặng Mỹ, châu Âu tăng lại từ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3/2022 khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục đứng ngồi không yên. Giá xăng dầu thế giới leo thang và tình trạng kẹt cảng, đặc biệt là ở Mỹ vẫn còn.

Ảnh hưởng từ xung đột Ukraine, giá nguyên liệu chế biến thực phẩm tại Anh dự kiến “tăng sốc” 30%. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy thị trường thế giới giảm phụ thuộc vào nguyên liệu của Nga, do vậy, dự kiến giá nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến tại Anh sẽ tăng khoảng 20-30%. Giải pháp tìm kiếm một nhà cung ứng mới thay thế cho Nga đã được đưa ra phân tích, song đều đi đến kết luận rằng đây không phải một biện pháp khả thi.

Giá cá tuyết H&G của Na Uy tăng cao kỷ lục. Giá cá tuyết bỏ đầu và ruột (H&G) khai thác tự nhiên của Na Uy tăng cao kỷ lục so với cá của Nga, trong bối cảnh thị trường ngần ngại mua hàng của Nga trước xung đột Nga - Ukraine. Nếu EU áp lệnh trừng phạt lên mặt hàng cá của Nga, các mặt hàng H&G được chế biến ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Mặc dù giá cá tuyết tăng như vậy, giá cá haddock giữ ổn định.

Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản Nga từ ngày 25/3/2022. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn về việc thực thi lệnh hành pháp mới của Tổng thống Joe Biden, về việc cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản, đồ uống có cồn, và kim cương phi công nghiệp của Nga.

Anh áp lệnh trừng phạt kinh tế, tăng thuế với cá thịt trắng từ Nga. Anh mới đây đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ tới Nga, đồng thời áp mức thuế nhập khẩu mới lên hàng trăm mặt hàng chủ chốt của Nga, tăng 35% so với mức thuế cũ. Anh phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu cá thịt trắng để đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhập khẩu 432.000 tấn, trị giá gần 1 tỷ USD vào năm 2020, bao gồm 48.000 tấn đến từ Nga. Cá thịt trắng có xuất xứ Nga cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc. Nga chiếm hơn 40% sản lượng cá trắng của thế giới, bao gồm 60% cá minh thái Alaska, 30% nguồn cung cá tuyết Đại Tây Dương và 25% cá haddock.

Ngành thuỷ sản của Nga đứng trước nguy cơ mất chứng nhận MSC. Liên quan đến những lo ngại quanh xung đột giữa Nga và Ukraine, Hội đồng Quản lý Hàng Hải (MSC) đã có những phát ngôn về việc giám sát hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn và thu hồi nhãn MSC đối với ngành thuỷ sản của Nga. 

NFI: Không nên áp lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản của Nga chế biến tại Trung Quốc. Sau khi lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Biden có hiệu lực, các công ty thủy sản của Mỹ vẫn nên được quyền nhập khẩu thủy sản của Nga được chế biến tại Trung Quốc - theo diễn giải của Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI).

Nguyễn Ngô Vi Tâm - Danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm gắn bó với Vĩnh Hoàn từ năm 2003, trải qua nhiều vị trí từ nhân viên kinh doanh, trưởng phòng kinh doanh tới phó tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm tổng giám đốc năm 2016 và được vinh danh trong danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp năm 2022. 

Đề xuất nới trần giờ làm thêm: Sẽ khó cho doanh nghiệp nếu chậm đưa ra quyết định. Nếu các quyết định về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chậm trễ, thì một mặt, kế hoạch phục hồi của không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng mặt khác, hiệu quả của chính các giải pháp cũng không còn như các bản đánh giá tác động mà Chính phủ đưa ra.

Khó khăn chồng chất từ chi phí tăng cao, doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển. Giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào sản xuất tăng cao nhưng giá bán ra hay xuất khẩu không tăng dẫn đến doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển, hỗ trợ vốn vay, phát triển hệ thống logistics và quỹ đất sản xuất công nghiệp…

Minh Trang

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục