Tổng hợp tin thủy sản, tuần từ 28/2-5/3/2022

VASEP kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo chưa ban hành QCVN về nước thải công nghiệp;7 ngành hàng cùng kiến nghị về bất cập trong thu phí cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh; Nhiều lô hàng cá tra bị Trung Quốc cảnh báo liên quan tới COVID-19;Đề nghị công nhận thêm 6 doanh nghiệp được xuất khẩu cá tra vào Mỹ; Doanh số bán cá da trơn của Hoa Kỳ năm 2021 tăng 12%; Tăng nhu cầu tôm cỡ lớn tại phân khúc dịch vụ thực phẩm ở Mỹ; Chiến sự Nga - Ukraine gây bất ổn cho thị trường thủy sản toàn cầu; Bộ Công Thương lên tiếng về việc TP HCM triển khai thu phí cảng biển; Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ giảm; Người Nga bị cấm tham gia Triển lãm hải sản ở Barcelona vào tháng 4/2022; Xuất khẩu cá tra đi Nga phải tạm ngưng vì chiến sự; Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam?

VASEP kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo chưa ban hành QCVN về nước thải công nghiệp. Tại công văn này, VASEP đã nêu hai vướng mắc, bất cập lớn nhất liên quan đến nội dung dự thảo là: quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành và những khó khăn khi áp dụng QCVN về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh. VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo: Tạm dừng chưa phát hành QCVN về nước thải công nghiệp để có các đánh giá tác động cụ thể của QCVN mới đối về kinh tế và xã hội;  Đưa trại-ao nuôi thuỷ sản vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT (nước thải chăn nuôi), và thuộc Cột B của cơ sở phải đăng ký môi trường thay vì đang nằm trong QCVN nước thải công nghiệp.

7 ngành hàng cùng kiến nghị về bất cập trong thu phí cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh. Theo các Hiệp hội, việc thu phí này đang tạo ra các bất hợp lý sau: Thời điểm áp dụng chưa phù hợp;  Mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện; Việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc “Phí chồng Phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng;  Đóng phí hai lần đối với các lô hàng XK phải sử dụng nguyên liệu NK.

Bộ Công Thương lên tiếng về việc TP HCM triển khai thu phí cảng biển. Bộ Công Thương đề nghị UBND TP HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế.

Nhiều lô hàng cá tra bị Trung Quốc cảnh báo liên quan tới COVID-19.  Đến nay đã có 30 lô cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo các chỉ tiêu liên quan tới COVID-19. Số lô hàng bị phát hiện vấn đề liên quan tới COVID-19 trên bao bì, ngoài bao bì và thành bên trong của container.  Khi phát hiện 1 lô có dấu vết của COVID-19 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm ngừng thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc 1 tuần. Còn đối với 2-3 lô trở lên thì 4 tuần, thậm chí có doanh nghiệp bị đến 6 tuần. 

Đề nghị công nhận thêm 6 doanh nghiệp được xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Nafiqad vừa gửi hồ sơ đăng ký đến FSIS để công nhận thêm 6 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ. Hiện nay, trong danh sách xuất khẩu cá tra được FSIS công nhận là 13 doanh nghiệp.

Doanh số bán cá da trơn của Hoa Kỳ năm 2021 tăng 12%. Các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ có doanh thu trị giá 421 triệu USD trong năm 2021, tăng 12% so với 377 triệu USD của năm trước. Trong số này, có tới 97% tổng doanh số bán hàng trên toàn quốc tập trung ở 4 bang: Mississippi, Alabama, Arkansas và Texas.

Tăng nhu cầu tôm cỡ lớn tại phân khúc dịch vụ thực phẩm ở Mỹ. Gần 275 triệu pao tôm đã được bán vào các kênh dịch vụ thực phẩm năm 2021, tăng 50 triệu pao so với năm 2020 với các nhà hàng nổi tiếng phong cách Mexico, Tây Ban Nha và Mỹ Latinh. Nhu cầu tôm cỡ lớn như 12 con/kg và 26-30 con/kg tại phân khúc dịch vụ thực phẩm tăng. 3 loại tôm cỡ lớn 26-30 con, 21-25 con, và 16-20 con/kg chiếm 55% tổng số các mặt hàng tôm được bán cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm năm 2021.

Các nhà nhập khẩu thủy sản của Nga ở châu Âu bị ảnh hưởng sau khi Nga tấn công Ukraine. EU sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu và xuyên Đại Tây Dương đưa ra một "gói trừng phạt lớn và có mục tiêu" nhằm vào nền kinh tế Nga. Các lệnh trừng phạt sẽ được "thiết kế để gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích của Điện Kremlin và khả năng tài trợ cho chiến tranh của họ. Thủy sản là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Nga, trị giá 4,7 tỷ USD vào năm 2020.  EU nhập khẩu 160.000 tấn cá minh thái từ Nga mỗi năm, chiếm 19% tổng nhập khẩu cá minh thái của EU.  Ngoài các mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nga, EU cũng nhập khẩu một lượng bổ sung sau khi tái chế tại Trung Quốc.

Xuất khẩu cá ngừ sang Peru tăng đột biến. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Peru tăng đột biến trong tháng 1/2022, với mức 2.290% so với cùng kỳ năm 2021. Peru là 1 trong số 20 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới. Giá trị trung bình NK cá ngừ của nước này trong 5 năm qua đạt khoảng 116 triệu USD. Trong đó, giá trị NK cá ngừ đóng hộp vào nước này chiếm tới hơn 83%. Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 5 cho thị trường Peru sau Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc. Tại thị trường này, các doanh nghiệp XK cá ngừ của Việt Nam mới chỉ khai thác được 3% thị phần.

Nghị viện EU muốn tạm thời rút thuế 0% đối với cá ngừ Philippines. EP đang kêu gọi EC bắt đầu ngay thủ tục có thể dẫn đến việc tạm thời rút lại các ưu đãi theo Hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP+) nếu không có sự cải thiện đáng kể và sự sẵn sàng hợp tác của các cơ quan chức năng Philippines. Năm 2020, Philippines đã XK 31.853 tấn cá ngừ đóng hộp và 7.087 tấn loin cá ngừ hấp sang thị trường EU. Nếu khối kinh tế này huỷ bỏ các lợi ích về miễn thuế, các sản phẩm cá ngừ XK của Philippines sang khối thị trường này sẽ bị áp thuế 24%. 

Mỹ dẫn đầu trong top thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 1/2022, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng mạnh tới 92,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 52,6 triệu USD. Với kết quả này, tháng đầu năm nay, Mỹ tạm về vị trí số 1 trong top các thị trường XK cá tra lớn nhất của DN Việt Nam.

Chiến sự Nga - Ukraine gây bất ổn cho thị trường thủy sản toàn cầu. Xuất khẩu thủy sản của Nga sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có thể bị cắt giảm do chiến sự Nga - Ukraine.

Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ giảm. Tôm cỡ 30 con/kg có giá giảm xuống 600 INR/kg, giá tôm cỡ 40 con đạt 510 INR/kg, cỡ 60 con ở mức 395 INR/kg, cỡ 80 con đạt mức 325 INR/kg và cỡ nhỏ nhất 100 con đạt 275 INR/kg. Các công ty chế biến không thể tiếp tục mua tôm nguyên liệu với mức giá cao giống như hồi đầu năm 2022. Giá nguyên liệu giảm chỉ giúp các công ty chế biến giảm lỗ và các công ty chế biến không thể giảm giá cho nhà NK. Xu hướng giá giảm này là bình thường trước khi các vụ nuôi mới bắt đầu.

Mỹ giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp năm 2021. Lượng cá ngừ đóng hộp NK vào Mỹ năm 2021 đạt 112.814 tấn, giảm 31% so với năm 2020. Giá trung bình NK 1 tấn cá ngừ đóng hộp ở mức 4.555 USD, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam XK sang Mỹ đang có giá trung bình cao nhất 6.360 USD/tấn. 

Người Nga bị cấm tham gia Triển lãm hải sản ở Barcelona vào tháng 4/2022. Những khó khăn về mặt logistic trong việc giao chứng từ cho Tây Ban Nha, các lệnh trừng phạt đối với Nga - loại bỏ các chuyến bay thẳng tới sự kiện và việc Liên minh châu Âu hủy chuyển tiền với các ngân hàng Nga - là những lý do khiến người Nga bị cấm tham gia sự kiện dự kiến vào ngày 26-28/4.

Xuất khẩu cá tra đi Nga phải tạm ngưng vì chiến sự. Năm 2021, Nga là một trong những thị trường tiềm năng và tỏa sáng trong bức tranh XK cá tra của Việt Nam với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2022, XK cá tra sang thị trường này lại đang gặp sự cố và ẩn chứa nhiều bất ổn.

Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tới kinh doanh cá ngừ đóng hộp. Trong khi nền kinh tế thế giới vẫn đang quay cuồng với đại dịch Covid-19, thì lại bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Các nhà kinh tế đang lo lắng về giá các mặt hàng nông nghiệp và nhiên liệu tăng cao. Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ. Hầu hết cá ngừ được tiêu thụ tại 2 nước này đều là cá ngừ đóng hộp và có nguồn gốc từ Thái Lan. Dữ liệu cho thấy, các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan năm 2021 đã XK 4.938 tấn sang Nga và 2.805 tấn Ukraine.

Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam? Nga và Ukraine đang là 2 trong số 20 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam tính theo giá trị. Cả hai nước này đang NK rất nhiều cá ngừ đông lạnh của Việt Nam. XK cá ngừ của Việt Nam sang Nga trong 10 năm qua đã tăng từ 364 nghìn USD năm 2012 lên hơn 14 triệu USD năm 2021, tăng gấp hơn 39 lần. Theo các doanh nghiệp, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra, một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gẫy.

 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục