Bộ Công Thương lên tiếng về việc TP HCM triển khai thu phí cảng biển

Bộ Công Thương đề nghị UBND TP HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế.

Ngày 16 tháng 2 năm 2022, UBND TP HCM đã bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP HCM.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như một số điều ước quốc tế khác Việt Nam đã ký kết và tham gia có một số quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng như các khoản thu khác được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và quá cảnh.

Chú thích ảnh

TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng thu về khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ phí sử dụng công trình, hạ tầng tại cảng biển

Trên cơ sở đó, ngày 25 tháng 02 năm 2022, Bộ Công Thương đã có văn bản số 908 đề nghị UBND TP HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.

Theo UBND TP HCM, với sản lượng hơn 170 triệu tấn hàng mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng thu về khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ phí sử dụng công trình, hạ tầng tại cảng biển đối với hàng hóa. Kinh phí này sẽ được sử dụng để tái đầu tư, phát triển hạ tầng các tuyến đường ra, vào cảng nhằm giải quyết bài toán kẹt xe trong điều kiện thành phố đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư công sau đại dịch Covid-19. 

Về phía các hiệp hội, hiện nay Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – Vasep đã đưa ra nhiều ý kiến chưa đồng tình với việc thu phí cảng biển sắp được triển khai.

Trong thư phản ánh gửi tới VASEP, các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý.

Hiện doanh nghiệp mới đang trên đà hồi phục sau Covid -19 nên nếu thu phí chồng phí sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Hiệp hội này đặt câu hỏi, trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN thì liệu quyết định này của UBND TP HCM liệu đã phù hợp?

Theo Vasep, hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.

Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đang tăng phi mã cũng là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chậm phục hồi.

(Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục