Việt Nam sẽ là thị trường dài hạn cho sản phẩm thủy sản, sữa, thịt của Ireland

Hướng tới phân khúc cao cấp, xuất khẩu mặt hàng chất lượng, Ireland tin tưởng Việt Nam sẽ là thị trường dài hạn cho sản phẩm thủy sản, sữa, thịt của Ireland.

Trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của Chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam, ngày 7/9, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Martin Heydon - đã có cuộc trao đổi với báo chí tại Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung?

Ireland là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Năm 2021, chúng tôi có kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam về thực phẩm và đồ uống đạt khoảng 30 triệu Euro (tăng 55% so với năm 2020), trong đó, kim ngạch xuất khẩu sữa của chúng tôi đạt 25 - 26 triệu Euro. Sữa bột nguyên kem của chúng tôi cũng là một sản phẩm khá nổi trội. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4 triệu Euro (năm 2021), thực phẩm chế biến sẵn đạt 1 triệu Euro.

6 tháng đầu năm 2022, dự kiến giá trị gia tăng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Ireland sang Việt Nam tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Với hiệu lực Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA), từ 1/1/2023, mức thuế quan đối với sản phẩm sữa được xóa bỏ (từ 15% về 0%), như vậy thì sản phẩm sữa của chúng tôi sẽ rất cạnh tranh và chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sữa sẽ tiếp tục gia tăng tại thị trường Việt Nam

Hiện, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Ireland sang Đông Nam Á vào năm ngoái đã tăng tới mức kỷ lục là 535 triệu Euro. Trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam, Cơ quan Thực phẩm Ireland (Bord Bia) sẽ khởi động chiến lược kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu lên tới 800 triệu Euro vào năm 2025, trong đó dẫn đầu sẽ là ngành sữa và thịt.

Chú thích ảnh

Ông Ciaran Gallagher - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Bord Bia (Cơ quan Thực phẩm Ireland) (trái) và ông Martin Heydon - Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải (phải) tại Fuji Mart (Hà Nội) trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam.

Mục tiêu của chúng tôi trong chuyến viếng thăm này là nâng cao hơn nữa nhận thức về Ireland với vai trò là một quốc gia cung cấp thực phẩm và đồ uống bền vững, an toàn và chất lượng cao của châu Âu cho với khách hàng và người tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo chiến lược kinh doanh của các ông thì thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là điểm đến ưu tiên cho ngành xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Ireland, đặc biệt tiềm năng xuất khẩu sữa, thịt, thủy sản. Đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh đối với các mặt hàng này tại thị trường Việt Nam?

Chúng tôi đã cung cấp các sản phẩm nông sản, thực phẩm đến nhiều thị trường trên thế giới và hiện chúng tôi cũng đang tập trung vào sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao về mảng đồ uống và thực phẩm. Chúng tôi mong muốn đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Ở Ireland có ưu thế lớn về vị trí địa lý, với vùng nước rất sạch, vì thế, sản phẩm thủy sản của chúng tôi rất sạch, chất lượng cao. Một số sản phẩm thủy sản đặc trưng, chất lượng cao của Ireland có thể kể đến như cua, cá hồi. Chúng tôi mong muốn được cung cấp các sản phẩm thủy sản bổ trợ, sản phẩm cao cấp cho Việt Nam.

Đối với sản phẩm sữa, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu sữa của chúng tôi đạt khoảng 5 tỷ Euro, ngoài khu vực Đông Nam Á, chúng tôi còn xuất khẩu đến thị trường các nước khác như Hoa Kỳ, EU… Hiện, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa của Ireland sang Việt Nam đạt khoảng 25 - 26 triệu Euro.

Chúng tôi cũng nhận thấy Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm sữa. Do đó, chúng tôi mong muốn tăng được con số xuất khẩu sữa tại thị trường Việt Nam lên cao hơn, và mong muốn trở thành đối tác hợp tác hiệu quả với Việt Nam.

Ireland đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên tới 800 triệu Euro vào năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ chiếm bao nhiêu trong con số này, thưa ông?

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Việt Nam được ước tính đã đạt 30 triệu Euro, trong đó kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 25 triệu Euro và xuất khẩu hải sản đạt 4 triệu Euro. Có thể thấy, thương mại nông sản Việt Nam – Ireland còn rất nhỏ so với tiềm năng 2 nước, và đây là cơ hội để chúng tôi thúc đẩy gia tăng giá trị này.

Về câu hỏi Việt Nam chiếm bao nhiêu trong mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên tới 800 triệu Euro vào năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á của Ireland, chúng tôi rất khó có thể ước tính riêng con số cho Việt Nam thời điểm này. Tuy nhiên, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là thị trường dài hạn cho sản phẩm thủy sản, sữa, thịt của Ireland.

Chú thích ảnh

Các loại thực phẩm Ireland được trưng bày tại sự kiện " Chương trình giới thiệu sản phẩm hải sản và thịt heo Ireland"

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng sữa, thịt, thủy sản Việt Nam, ở chiều ngược lại, Việt Nam có rất nhiều nông sản, trái cây chất lượng cao, Ireland có mong muốn nhập khẩu các sản phẩm này hay không, thưa ông?

Ireland là thành viên của EU, do đó, việc nhập khẩu nông sản, trái cây chúng tôi sẽ áp dụng các quy định về tiêu chuẩn tương tự như EU. Về nông sản, hàng năm chúng tôi xuất khẩu khoảng 13,5 tỷ Euro và nhập khẩu 8 tỷ Euro. Như vậy, hàng nhập khẩu của chúng tôi cũng khá nhiều.

Ireland nói riêng và EU nói chung có nhu cầu rất lớn sản phẩm từ các nước. Như đối với Việt Nam, chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu về gạo, cà phê, xoài,…. Đây cũng là cơ hội rất tốt để thúc đẩy chiều ngược lại – tức là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Ireland.

Ngoài ra, các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam đã xuất khẩu sang Ireland khá nhiều. Đây cũng là những thế mạnh của Việt Nam và có thể thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ireland trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam đang yếu về công nghệ sản xuất, chế biến nông thủy sản so với các nước EU, các doanh nghiệp Ireland có ý định đầu tư công nghệ tại Việt Nam để khai thác thị trường này hay không?

Cùng với cuộc họp báo hôm nay, chúng tôi cũng sẽ cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong những cuộc họp này, chúng tôi sẽ trao đổi và tìm cách tháo gỡ khó khăn, cũng như các hạn chế, thách thức đối với sản phẩm của Ireland khi mà xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, sẽ cùng nhau xác định chi tiết về các hoạt động phối hợp trong giai đoạn tới.

Trong nhiều năm qua chúng tôi đã tập chung nhiều hoạt động, xây dựng các chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam. Các chương trình hợp tác phát triển này tập trung nhiều vào vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và những người người có điều kiện hạn chế và khó khăn. Gần đây chúng tôi đã thúc đẩy hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn để Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường mới.

Riêng với ngành sữa, Ireland đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghệ để đảm bảo các sản phẩm sữa của chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và người già cũng như các nhu cầu khác liên quan đến sữa. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những thành quả, những tiến bộ, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo này với người nông dân Việt Nam.Chúng tôi nghĩ rằng quan hệ hợp tác về thương mại phải luôn luôn dựa trên lợi ích song phương, đôi bên cùng có lợi. Việc tăng cường hoạt động xuất khẩu như vậy sẽ góp phần gia tăng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Ireland, mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia.

Thùy Linh (Theo báo Công thương

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục