Trung Quốc mở cửa biên giới, doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại được đánh là "bình oxy" lớn với nhiều doanh nghiệp Việt khi các thị trường Mỹ, EU giảm cầu do lạm phát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết chưa thể bắt nhịp lại ngay với thị trường 1,4 tỷ dân này, đồng thời các thủ tục về kiểm dịch an toàn thực phẩm vẫn rất khắt khe.

Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch, hoạt động hàng hóa nhập khẩu, chấm dứt gần ba năm đóng cửa. Đây là tin vui với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, giống như có thêm "bình oxy" khi nhiều thị trường lớn trên thế giới giảm nhu cầu do lạm phát tăng cao. 

Rào chắn đã dỡ 

Với ngành da giày, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc công ty TNHH Nhật – Việt – Thương hiệu Vento – Hải Phòng, cho biết người Trung Quốc rất ưa chuộng sử dụng sản phẩm dép từ Việt Nam. Mỗi năm, có khoảng hơn 10 triệu đôi dép Việt Nam được xuất sang Trung Quốc với giá bán khá tốt, đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.

-3923-1673254375.jpg

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới với Trung Quốc được dỡ bỏ các thủ tục kiểm dịch COVID-19

“Việt Nam có thể thua người Trung Quốc về sản phẩm giày nhưng công nghiệp sản xuất dép thì không. Nhiều người dân vùng biên của Trung Quốc rất thích dép sản xuất từ Việt Nam”, ông Thăng cho biết mỗi năm doanh nghiệp này đang xuất khẩu trên dưới 1 triệu đôi dép sang Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước đây, xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc rất dễ dàng vì cửa khẩu, đường mòn mở cửa. Tuy vậy, từ khi Trung Quốc thực hiện “zero COVID-19” – “xây kè, rào chắn” với hàng nhập khẩu đã khiến hoạt động này bị gián đoạn. Từ ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ đem lại cơ hội lớn đối với ngành chăn nuôi heo.

Hiện, giá heo tại thị trường Trung Quốc đang ở mức 74.000 – 78.000 đồng/kg, trong khi ở Việt Nam chỉ có giá 50.000 – 56.000 đồng/kg. Hy vọng, Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ giúp giá heo tăng trở lại trong thời gian tới.

Không chỉ sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Tiến cũng cho hay các sản phẩm nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ có cơ hội lớn như sầu riêng, chanh leo… “Thủ tướng giao tất cả lãnh đạo trong Bộ NN&PTNT phải ra chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội từ thị trường xuất khẩu”, Thứ trưởng NN&PTNT cho biết.

Đáng nói, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD trong năm 2022, tăng 6,8%; trong đó, nhập khẩu đạt 58,4 tỷ USD tăng 4,5%, xuất khẩu 119,3 tỷ USD tăng 7,9% so với 2021. Song hai mức này đều thấp hơn mức tăng chung của xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cả năm 2022. Tới đây, khi thị trường Trung Quốc mở cửa thì các hoạt động giao thương phục hồi sẽ tác động tích cực đến xuất nhập khẩu.

Vẫn cần thêm thời gian

Cơ hội khi thị trường Trung Quốc mở cửa là có, nhưng vấn đề tận dụng vẫn là nỗi lo với nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho hay do chưa tìm kiếm ngay được khách hàng nên vẫn trong trạng thái chờ. 

Theo bà Lê Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt, việc Trung Quốc mở cửa thị trường vào thời điểm này là thông tin tích cực cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và cả các nước khác trên thế giới. Điều này cũng giống như mở van bình "oxy" cho các doanh nghiệp có làm ăn với thị trường khổng lồ này.

“Tuy nhiên, thời điểm này lại khá cận Tết Nguyên đán ở cả Việt Nam và Trung Quốc, chính vì vậy khả năng phục hồi ngay sau khi mở cửa không cao; nhiều khả năng sau Tết các hoạt động thương mại mới thật sự phục hồi và khởi sắc", bà Thương đánh giá.

Phó Giám đốc Hồ Tiêu Việt cũng chia sẻ thêm, doanh nghiệp này đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa hàng trở lại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết đối với những doanh nghiệp đang làm thị trường Trung Quốc thì họ theo dõi rất sát sao. Kể cả vừa qua có quy định mới về nhãn hàng, chất lượng, kỹ thuật của hàng hóa, doanh nghiệp đều phải cập nhật, theo kịp quy định của Trung Quốc thì mới mong đẩy nhanh được quá trình thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. 

Với lĩnh vực du lịch, ông Lê Công Năng, Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour, chia sẻ không chỉ các đơn vị du lịch lữ hành mà cả khách du lịch cũng mong chờ Trung Quốc mở cửa du lịch từ ngày 8/1, thời điểm khá cận Tết Nguyên đán.

Ông Năng cung cấp thông tin vào giữa năm 2020, khảo sát của Tập đoàn Tư vấn khách sạn C9 Hotelworks và Delivering Asia Communications (DAC) thống kê nhu cầu du lịch nước ngoài của hơn 1.000 người đủ điều kiện từ các thành phố lớn tại Trung Quốc cho thấy, có gần 500 người có kế hoạch du lịch nước ngoài, trong đó có hơn 200 người dự định đến Việt Nam. Những điểm đến khách Trung Quốc muốn ghé thăm nhất tại Việt Nam lần lượt là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Cam Ranh, Hạ Long… 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các công ty lữ hành lại gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức khách du lịch vào Trung Quốc. Ông Năng cho hay nguyên nhân là khó khăn về tâm lý, khách hàng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến an toàn khi du lịch đến Trung Quốc trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn đang cao. Điều này kéo theo sự mất tự tin của doanh nghiệp lữ hành trong việc gom khách đủ cho các đoàn khởi hành.

Thêm vào đó, các đối tác cung ứng dịch vụ phía bạn, bởi chỉ khi thông tin Trung Quốc mở cửa chính thức, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nước này mới trở lại vận hành. Các đơn vị lữ hành cần thời gian sắp xếp dịch vụ và lên lịch khởi hành bảo đảm an toàn tour, đặt tình trạng tour ở mức rủi ro thấp nhất.

-4287-1673254376.jpg

Ông Nguyễn Quốc Toản

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)

Thực tế nhiều cơ hội đang mở ra với các sản phẩm nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhanh chóng thiết kế những chương trình hành động cụ thể từ khâu đầu đến khâu cuối, đồng thời sẽ thiết lập một không gian quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam tại Sơn Đông, phía Bắc Trung Quốc – nơi còn thiếu nhiều hàng nông sản lương thực, thực phẩm từ Việt Nam.

-7872-1673254376.png

Ông Nguyễn Thanh Hải

Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hacaseafood

Việc Trung Quốc dỡ bỏ quy định test COVID-19, tạo điều kiện thông quan thuận lợi, chính là cơ hội vàng để hàng hóa nước ta dễ dàng đi vào thị trường này. Ngay trong những ngày đầu năm mới, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc đã được triển khai. Theo kế hoạch nhập hàng của các đối tác của doanh nghiệp, dự kiến sẽ có khoảng 170-180 container hàng xuất sang thị trường Trung Quốc phục vụ cho dịp Tết này.

-8186-1673254376.jpg

Ông Nguyễn Việt Phong

Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê

Để tận dụng được cơ hội tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam cần phản ứng nhanh, đánh giá tốt tình hình trong bối cảnh thị trường thế giới gặp khó khăn. Ngoài việc tận dụng và khai thác tốt hơn Hiệp định tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thì các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gãy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu.

Bảo Ngọc (Theo VnBusiness)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục