Minh Phú đề xuất giải pháp giúp ngành tôm tăng trưởng hai con số với công nghệ sinh học xanh - sạch - bền vững

Ngành tôm Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, chúng ta không thể tiếp tục đi theo lối mòn mà cần một hướng đi mới - hiệu quả hơn, bền vững hơn và có thể tạo ra tăng trưởng hai con số mỗi năm.

Chú thích ảnh

Bài học từ Ecuador cho chúng ta thấy rằng ngành tôm có thể phát triển mạnh mẽ nếu áp dụng phương pháp nuôi phù hợp với môi trường tự nhiên. Họ tập trung vào chiến lược “kháng bệnh - thích nghi - vừa sức tải môi trường”, nhờ đó đạt giá thành nuôi chỉ từ 2,6 - 3,0 USD/kg đối với tôm cỡ 35 con/kg. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang theo đuổi mô hình “sạch bệnh - lớn nhanh - công nghệ cao”, khiến giá thành đội lên từ 4,8 - 5,2 USD/kg, gần gấp đôi Ecuador.

Ecuador chỉ có 250.000 ha nuôi tôm nhưng sản lượng năm 2024 đã đạt 1,4 triệu tấn. Ngược lại, Việt Nam sở hữu diện tích nuôi tôm lên đến 740.000 ha (chưa tính 225.000 ha tôm lúa và 104.000 ha tôm rừng), nhưng sản lượng năm 2024 chỉ đạt 1,264 triệu tấn. Sự chênh lệch này cho thấy chúng ta chưa tận dụng hết tiềm năng của mình. Một trong những nguyên nhân chính là tỷ lệ sống của tôm vẫn còn thấp. Hiện nay, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng chỉ đạt tỷ lệ sống từ 1 đến 5%, tôm lúa & tôm quảng canh đạt 20 - 25%.

Nhận thức được những hạn chế và thách thức của ngành tôm Việt Nam, Minh Phú đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra giải pháp tối ưu, giúp nâng cao tỷ lệ sống, giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả nuôi tôm.

Minh Phú đã triển khai các trại ương dèo tôm ngay tại các vùng nuôi, giúp ương dèo tôm sú Moana và tôm thẻ từ post 10-15 lên post 1 gam/con, qua đó tăng tỷ lệ sống lên hai con số. Đồng thời, Minh Phú mở các điểm tăng sinh vi sinh MPBiO ngay tại vùng nuôi, giúp giảm giá thành vi sinh xuống 3-5 lần, từ đó tối ưu hóa chi phí sản xuất. Đối với các mô hình nuôi tôm sú, Minh Phú đã ứng dụng công nghệ sinh học MPBiO vào nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh và tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn, giúp tăng sản lượng và hiệu quả lên 4-5 lần.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu suất nuôi thâm canh và siêu thâm canh, Minh Phú đã thúc đẩy việc chuyển đổi từ mô hình “3 sạch” sang công nghệ sinh học MPBiO, giúp tăng diện tích mặt nước từ dưới 30% lên 60-70%, đồng thời nâng tỷ lệ sống từ 40% lên 70-80%, góp phần giảm giá thành và tăng lợi nhuận đáng kể cho người nuôi.

Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến công nghệ nuôi, Minh Phú còn đề xuất mô hình hợp tác phát triển các Khu công nghiệp nuôi tôm, trong đó người dân có thể góp cổ phần bằng đất để cùng đầu tư, thay vì nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún. Mô hình này giúp tăng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận lên hai con số, đồng thời đảm bảo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân.

Minh Phú cũng kiến nghị Chính phủ và các tỉnh tạo điều kiện về quỹ đất, chính sách để hỗ trợ mở rộng các trại ương dèo, điểm tăng sinh vi sinh, cũng như phát triển các khu công nghiệp nuôi tôm. Nếu những giải pháp này được áp dụng đồng bộ, chắc chắn ngành tôm Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng hai con số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế các tỉnh ven biển.

Những nỗ lực trên không chỉ giúp ngành tôm Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đảm bảo tính bền vững, hướng tới mục tiêu Xanh - Sạch - Bền vững & Carbon Net Zero.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia