(vasep.com.vn) Từ tháng 3-12/2016, giá cá ngừ vằn đông lạnh giao hàng tại Thái Lan đã tăng từ 15 – 20% so với cùng kỳ năm 2015. Giá cá ngừ vằn đông lạnh vẫn tiếp tục tăng cao trong những tháng đầu năm 2017.
Đối với cá ngừ đóng hộp, giá XK và giá tiêu dùng trong năm 2016 không tăng nhiều. Mặc dù giá cả tương đối ảm đạm, nhu cầu NK cá ngừ chế biến trong năm 2016 vẫn không phục hồi do nhu cầu tại các thị trường phương Tây truyền thống thấp. Tại phần khúc thị trường cá ngừ tươi, sống và đông lạnh, hướng tới một nhóm khách hàng khác, hoạt động thương mại vẫn ổn định.
Nguồn cung
Năm 2016, giá cá ngừ để sản xuất đồ hộp vẫn ở mức cao hơn so với năm 2015. Thực tế, giá trung bình NK cá ngừ vằn tại Bangkok tăng gần 21% trong năm 2016, đạt mức bình quân 1.430 USD/tấn, cao hơn so với mức 1.100 USD/tấn năm 2015. Giá cao hơn dường như không làm giảm lượng NK, NK cá ngừ đông lạnh nguyên liệu vào Thái Lan tăng 8%, đạt 700 nghìn tấn trong năm 2016. NK cá ngừ đông lạnh nguyên liệu hàng năm vào Tây Ban Nha trong năm 2016 cao hơn, đạt 162.600 tấn, tăng 15%. Các nhà sản xuất đồ hộp của Tây Ban Nha cũng NK thâm 66.100 tấn thăn cá ngừ hấp chín để tái chế biến. Tại Trung Quốc, NK cá ngừ nguyên liệu vẫn ổn định ở mức 85.000 tấn trong năm 2016; trong đó 80% là cá ngừ vằn đông lạnh.
Xu hướng tăng giá của cá ngừ vằn vẫn tiếp tục trong quý I/2017. Trong giai đoạn này, giá cá ngừ vằn đông lạnh đạt mức kỷ lục 1.676 USD/tấn, giao hàng tại Bangkok; cao hơn gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá ngừ vằn tại Bangkok sau đó đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 3.
Sản lượng khai thác cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương đã tốt hơn trong tháng 3. Các nhà máy đóng hộp tại Ecuador đang có lượng nguyên liệu tồn kho ở mức cao. Do được hưởng mức thuế ưu đãi 0% từ tháng 1/2017, các nhà máy đóng hộp của Tây Ban Nha đang thu mua thêm nhiều thăn cá ngừ hấp chín nguyên liệu từ Ecuador.
Tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương, hoạt động khai thác vẫn ở mức trung bình. Các nhà máy sản xuất đồ hộp Thái Lan đang có nhiều nguyên liệu đông lạnh tồn kho do NK nhiều trong năm 2016 mà nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp thành phẩm tại các thị trường XK thấp. Sau giai đoạn này, giá cá ngừ vằn đã bắt đầu giảm. Tại Ấn Độ Dương, hoạt động khai thác cũng ở mức trung bình trong khi các nhà máy đóng hộp có lượng nguyên liệu tồn kho ở mức tốt.
Lệnh cấm sử dụng thiết bị dẫn dụ cá (FAD) tại khu vực Đại Tây Dương kết thúc vào ngày 28/02/2016, tuy nhiên hoạt động khai thác tại khu vực này vẫn ở mức thấp. Nguồn nguyên liệu tồn kho của các nhà máy đồ hộp thấp có thể khiến các nhà máy này phải ngừng hoạt động cho tới khi hoạt động khai thác được cải thiện. Hoạt động khai thác thấp cũng khiến giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tăng. Giá NK thăn cá ngừ vây vàng hấp chín, làm sạch hai lần tăng do hạn ngạch được hưởng ưu đãi thuế quan 0% của Thái Lan, Indonesia và Philippines đã hết.
Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh
Mỹ
Trong năm 2016, NK cá ngừ tươi và đông lạnh của Mỹ có xu hướng tích cực. NK cá ngừ tươi và đông lạnh nguyên con và thăn đạt 60.000 tấn (tăng 11%), NK cá ngừ nguyên con qua đường hàng không và thăn/philê cá ngừ đông lạnh đạt 24.000 tấn và 32.300 tấn. Giá NK thăn cá ngừ đông lạnh trung bình dao động trong khoảng 11 – 12 USD/kg.
Từ năm 2014, Mỹ vẫn là nhà NK cá ngừ tươi qua đường hàng không lớn nhất thế giới về khối lượng, tiếp đến là Nhật Bản.
Nhật Bản
Xu hướng tiêu thụ cá ngừ có giá cao vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2016, kết quả là NK cá ngừ qua đường hàng không của Nhật Bản giảm 5%. Tuy nhiên, NK cá ngừ vây xanh tươi tăng 27% trong năm 2016, nguồn cung chủ yếu là từ Mexico (4.200 tấn), do giá cá ngừ của nước này rẻ hơn. Các sản phẩm cá ngừ vây khai thác tự nhiên có giá cao hơn chiếm tới 600 tấn trong tổng NK cá ngừ vây xanh tươi, với nguồn cung chủ yếu từ Canada và Mỹ.
Thị trường Nhật Bản vẫn ưa chuộng các sản phẩm cá ngừ đông lạnh phẩm cấp sashimi trong năm 2016, chủ yếu là do thời gian sử dụng lâu hơn, với việc NK cá ngừ đông lạnh tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. NK thăn cá ngừ đông lạnh cũng tăng nhẹ đạt 41.800 tấn, cao hơn so với mức 41.400 tấn của năm 2015. NK thăn cá ngừ đông lạnh bao gồm 25.400 tấn thăn cá ngừ mắt to và vây vàng thịt đỏ và 15.000 tấn thăn cá ngừ vây xanh.
Thị trường cá ngừ đóng hộp
Thái Lan, Ecuador và Tây Ban Nha là 3 nhà XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn nhất trong năm 2016.
Tại Châu Á, XK cá ngừ chế biến và đóng hộp của Thái Lan và Philippines tăng lần lượt 0,3% và 2% so với năm 2015. XK của Trung Quốc tăng 7%, với nguồn cung thăn cá ngừ hấp chín sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tăng.
XK thăn cá ngừ hấp chín và cá ngừ đóng hộp của Ecuador, nhà XK cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 thế giới, năm 2016 tăng 2,4% so với năm 2015. Tuy nhiên, tổng XK cá ngừ chế biến/đóng hộp của nwocs này sang thị trường lớn nhất, Tây Ban Nha, giảm 5% chỉ đạt 45.600 tấn. Sự sụt giảm này là do XK thăn cá ngừ hấp chín của Ecuador sang Tây Ban Nha giảm 15%. Tuy nhiên, XK thăn cá ngừ hấp chín từ Ecuador sang Italy và Bồ Đào Nha tăng lần lượt 72% (đạt 9.200 tấn) và 29% (đạt 1.800 tấn).
Tại khu vực Ấn Độ Dương, XK từ Mauritius vẫn duy trì ở mức 57.600 tấn. Trong đó, XK thăn cá ngừ hấp chín sang Italy và Bồ Đào Nha tăng. XK cá ngừ đóng hộp của nước này sang thị trường chính, Anh, giảm 13,4% so với năm 2015, nguyên nhân là do nguồn hàng tồn kho ở mức cao.
XK của Tây Ban Nha năm 2016 tăng 2,4% so với năm 2015. Các thị trường XK chính của nước này là Italy, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan và Đức. Bên cạnh việc XK các sản phẩm cá ngừ chế biến có giá trị cao, Tây Ban Nha cũng tái xuất thăn cá ngừ hấp chín cho các nhà sản xuất đồ hộp của Bồ Đào Nha, Italy và Pháp.
Ngành sản xuất cá ngừ chế biến đóng hộp của Tây Ban Nha đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2014 – 2016, thường XK các sản phẩm cá ngừ chế biến có giá trị cao cho các thị trường tại EU. Tuy nhiên, ngoài các thị trường EU, XK sang các thị trường khác cũng tăng.
Nhìn chung, NK cá ngừ đóng hộp của các thị trường lớn truyền thống trong năm 2016 thấp, mặc dù giá trung bình NK không tăng nhiều. Nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp thông thường giảm và doanh số bán thấp do lượng hàng tồn kho tại các thị trường này lớn.
Mỹ
Nhìn chung, NK cá ngừ chế biến sẵn (thăn cá ngừ hấp chín, cá ngừ đóng hộp hay đóng túi) của Mỹ trong năm 2016 giảm 6% so với năm 2015, đạt 190.700 tấn, cho thấy nhu cầu thấp mặc dù giá NK trung bình giảm 1,3%. Nhu cầu đối với các sản phẩm cá ngừ thịt sáng (cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng) vẫn thấp trong năm 2016.
Ngược lại, NK cá ngừ thịt trắng, cá ngừ albacore (đóng hộp và đóng túi) tăng 20% mặc dù giá trung bình NK cao hơn từ 1-2 USD/kg so với các sản phẩm cá ngừ vằn.
Tại Canada, NK cá ngừ đóng hộp giảm 3% do nguồn cung từ các nhà cung cấp chính giả, như Thái Lan giảm 6,4% so với năm 2015. NK từ Philippines giảm 33%, từ Italy giảm 20% và từ Việt Nam giảm 9%.
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường Châu Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng. NK của Colombia đạt 28.500 tấn, giảm 3,3%; của Chile đạt 15.400 tấn, giảm 20% và của Peru đạt 13.700 tấn, giảm 13%.
EU
Trong năm 2016, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại EU, đặc biệt tại là các thị trường Tây Âu, vẫn gây thất vọng cho các nhà XK ngoài EU. Tính đến tháng 11/2016, NK cá ngừ đóng hộp của EU từ các nước ngoài khối giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 422.900 tấn.
Các thị trường NK nhiều nhất trong khối EU năm 2016 là Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Đức cho thấy sự sụt giảm trong NK cá ngừ đóng hộp so với năm 2015.
NK cá ngừ đóng hộp từ các thị trường Đông Âu tăng, cụ thể NK của Séc đạt 5.200 tấn, của Hungary đạt 2.400 tấn và của Romania đạt 3.600 tấn.
Châu Á/Thái Bình Dương
Nhật Bản và Australia là các nước NK nhiều nhất cá ngừ đóng hộp tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong năm 2016, NK cá ngừ đóng hộp của Nhật Bản vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, tăng 11% so với năm 2015, đạt 60.400 tấn. Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam là các nguồn cung chính cho thị trường này. Khoảng 10% các sản phẩm cá ngừ chế biến NK vào Nhật Bản là katsuobushi, có giá từ 7 – 11 USD/kg, còn cá ngừ đóng hộp có giá 4,8 USD/kg. Các nguồn cung chính katsuobushi cho Nhật Bản gồm có Philippines, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Maldives
Australia được xem là thị trường cho các sản phẩm cá ngừ có giá trị cao. Tuy nhiên, do đồng tiền của Australia đang bị mất giá so với đồng USD nên đã làm hạn chế NK cá ngừ đóng hộp vào thị trường này, với xu hướng NK giảm bắt đầu từ năm 2014. NK cá ngừ đóng hộp của nước này năm 2016 giảm 5,4% so với năm 2015, chỉ đạt 44.900 tấn. NK của New Zealand tăng 5%, đạt 5.300 tấn.
Tại khu vực Đông Á, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại Hongkong và Singapore đã cải thiện nhưng của Malaysia và Trung Quốc giảm.
Đối với cá ngừ đóng hộp, giá XK và giá tiêu dùng trong năm 2016 không tăng nhiều. Mặc dù giá cả tương đối ảm đạm, nhu cầu NK cá ngừ chế biến trong năm 2016 vẫn không phục hồi do nhu cầu tại các thị trường phương Tây truyền thống thấp. Tại phần khúc thị trường cá ngừ tươi, sống và đông lạnh, hướng tới một nhóm khách hàng khác, hoạt động thương mại vẫn ổn định.
Xu hướng NK tại các thị trường mới nổi nhưng quan trọng tại Trung Đông và Tây Phi không ổn định trong năm 2016, điều này có thể thấy qua tình hình XK cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang các thị trường này. NK cá ngừ đóng hộp từ Thái lan sang Ai Cập năm 2016 đạt 75.000 tấn, cao hơn từ 3.000 – 5.000 tấn so với năm 2015. XK sang Libya tăng, đạt 37.600 tấn. XK sang Arập Xeeut giảm 18%, đạt 22.900, sang UAE tăng 7%, đạt 11.900 tấn và Syria giảm 40%, đạt 60.100 tấn. Tại Tây Phi, XK cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang Algeria tăng 22%, sang Morocco tăng 10%, nhưng sang Tunisia giảm 26%.