(vasep.com.vn) Theo một công bố mới đây, 78% sản lượng cá ngừ khai thác toàn cầu là từ các nguồn lợi ở mức “dồi dào”, tăng 2%.
Báo cáo Hiện trạng các nguồn lợi cá ngừ của ổ chức Phát triển Thủy sản Bền vững Quốc tế (ISSF) công bố vào ngày 2/11/2017, cho thấy 11% sản lượng khai thác toàn cầu là từ các nguồn lợi bị đánh bắt quá mức, và 11% sản lượng đánh bắt khác là từ các nguồn lợi ở mức trung bình.
Báo cáo Hiện trạng các nguồn lợi cá ngừ, được cập nhật theo các giai đoạn trong năm, xếp hạng 23 loại cá ngừ thương mại lớn trên thế giới bằng cách sử dụng một phương pháp thống nhất. Báo cáo chỉ định xếp hạng màu sắc (xanh lá cây, vàng hoặc cam) đối với tình trạng của các nguồn lợi, được lưu ý lần lượt là “sự phong phú” và “sức sinh sản”; tỷ lệ chết do đánh bắt; và ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Báo cáo mới đây cho thấy những thay đổi đáng khích lệ đối với tình trạng nguồn lợi cá ngừ so với Báo cáo Hiện trạng cá ngừ vào tháng 2/2017. Báo cáo tháng 11/2017 phản ánh các số liệu mới trong các cuộc họp của Tổ chức Quản lý Nghề cá ngừ khu vực 2017 (RFMO):
+ Xếp hạng về sự phong phú được cải thiện đối với cá ngừ mắt to của khu vực Đông Thái Bình Dương, cá ngừ mắt to của Tây và Trung Bình Dương, cá ngừ vây dài Địa Trung Hải, và cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương.
+ Xếp hạng tỷ lệ chết do đánh bắt được cải thiện đối với cá ngừ mắt to ở Tây Bắc Thái Bình Dương, cá ngừ vây dài Bắc Thái Bình Dương và cá ngừ vây dài ở Ấn Độ Dương.
Ngược lại, hai nguồn lợi cá ngừ vây xanh (Nam và Thái Bình Dương), một nguồn lợi cá ngừ vây vàng (Ấn Độ Dương), và một nguồn lợi cá ngừ mắt to (Đại Tây Dương) vẫn trong tình trạng lạm thác.
Các biện pháp giám sát sản lượng đánh bắt không mong muốn và/hoặc các biện pháp giảm nhẹ không phù hợp, thể hiện bằng các điểm “Tác động Môi trường” riêng biệt, khu vực đánh giá thứ ba, vẫn là mối quan tâm trong các nghiên cứu.
Những phát hiện chính
1. Tổng sản lượng khai thác:
Năm 2015, tổng sản lượng đánh bắt cá ngừ thương mại là 4,8 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2014. Hơn một nửa sản lượng (58%) là cá ngừ vằn, tiếp đến là cá ngừ vây vàng (28%), cá ngừ mắt to (8%) và cá ngừ vây dài (4%). Cá ngừ vây xanh chỉ chiếm 1% sản lượng khai thác toàn cầu. Các tỷ lệ phần trăm này không thay đổi so với báo cáo tháng 2/2017.
2. Độ phong phú hoặc “sức sinh sản”:
Trên phạm vi toàn cầu, 57% trong số 23 nguồn lợi cá ngừ có trữ lượng lớn (tăng 5% so với báo cáo trước), 17% bị đánh bắt quá mức, và 26% ở mức trung bình. Các nguồn lợi nhận điểm màu cam cho thấy tình trạng đánh bắt quá mức bao gồm cả cá ngừ vây xanh Nam bán cầu và Thái Bình Dương, cá ngừ vây vàng Ấn Độ Dương, và cá ngừ mắt to Đại Tây Dương.
3. Tỷ lệ chết do đánh bắt:
65% các nguồn lợi (tăng 8% so với báo cáo trước) đang có tỷ lệ tử vong do đánh bắt thấp, và 13% đang trải qua tình trạng lạm thác.
4. Nguồn lợi cá ngừ có sản lượng đánh bắt lớn nhất:
Ba loài cá ngừ có sản lượng khai thác lớn nhất là cá ngừ vằn Tây Thái Bình Dương, cá ngừ vây vàng Tây Thái Bình Dương và cá ngừ vây xanh Ấn Độ Dương.
5. Sản lượng cá ngừ đánh bắt bằng ngư cụ:
64% sản lượng cá ngừ được đánh bắt bằng lưới vây, tiếp theo là câu vàng (12%), câu cần (9%), lưới rê (4%) và các ngư cụ khác (11%).
Lần đầu tiên trong các báo cáo Hiện trạng thái các nguồn lợi cá ngừ, báo cáo tháng 11/2017 đưa ra một phụ lục với một danh mục các nghề cá được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý Biển (MSC).
Theo Tiến sĩ Victor Restrepo, Phó Chủ tịch Khoa học của ISSF, chương trình chứng nhận nghề cá MSC là chỉ số được công nhận rộng rãi nhất về tính bền vững của các sản phẩm thủy hải sản. Danh sách này giúp ISSF theo dõi các nguồn lợi cá ngừ và ngư cụ được chứng nhận.