Giá cá ngừ trên toàn cầu tăng mạnh

(vasep.com.vn) Với tình hình sản lượng khai thác cá ngừ thấp trong suốt tháng 7-10/2017 do lệnh cấm sử dụng các thiết bị dẫn dụ cá (FADs) và vào thời điểm ngưng khai thác ở khu vực Thái Bình Dương, giá cá ngừ đông lạnh tăng mạnh và đạt mức kỷ lục là 2.400 USD/tấn trong tháng 10/2017. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu thô từ châu Á và châu Mỹ Latinh cải thiện do sản lượng khai thác sụt giảm.

Nguồn cung

Tại Trung và Tây Thái Bình Dương, lệnh cấm hàng năm trong việc sử dụng FADs và sản lượng chung thấp dẫn đến việc giá cá ngừ vằn tăng. Trong tháng 9/2017, khối lượng hàng có sẵn ở Thái Lan vẫn ở mức thấp. Nhu cầu gia tăng đã khiến giá cá ngừ vằn đông lạnh tăng trong tháng 10/2017 lên đến 2.100 USD/tấn tính theo giá CFR từ Bangkok, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo, ở vùng Đông Thái Bình Dương, vụ đánh bắt cá 'veda' đầu tiên bắt đầu vào ngày 29/7/2017 và kéo dài đến ngày 8/10/2017, có 30% đội tàu của Ecuador đã tham gia trong giai đoạn này. Sản lượng khai thác thấp đã đẩy giá tăng cao. Nguồn cung nguyên liệu hiện nay ở Ecuador đang ở mức thấp với mức giá cá ngừ vằn ở Ecuador cao hơn so với mức giá ở Bangkok.

Tại Ấn Độ Dương, sản lượng khai thác cá ngừ được cải thiện từ đầu tháng 10/2017 và lượng hàng nguyên liệu có sẵn tại các cửa hàng địa phương vẫn duy trì tốt. Trong khi đó, XK từ khu vực này tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các xưởng đóng hộp Châu Á. Nhu cầu mạnh mẽ ở cả Thái Lan và Ecuador cũng góp phần đẩy giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tăng.

Tại Đại Tây Dương, sản lượng thu hoạch từ các tàu khai thác thấp. Giá cá ngừ vằn tiếp tục tăng trong khi giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định. Mức tăng đáng kể theo tháng; trong tháng 7/2017, giá cá cá ngừ vằn đã tăng gần 20% so với tháng 6/2017 và tiếp tục tăng. Trong tháng 9/2017, giá đã vượt qua mức 2.000 USD/tấn, mức cao lịch sử trong 5 năm qua.

Các nhà sản xuất đóng hộp cá ngừ ở Châu Âu đang bắt đầu lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ hè với nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng.

Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh (không đóng hộp)

Mỹ

Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ tươi và đông lạnh vẫn ổn định tại thị trường Mỹ, với mức tăng NK trong nửa đầu năm 2017 là 1,4% (tương đương 400 tấn). NK tăng chủ yếu là cá ngừ tươi/đông lạnh nguyên con, philê và cắt thanh với tổng khối lượng NK đạt khoảng 28.900 tấn.

NK cá ngừ vây xanh có giá trị cao (tươi và đông lạnh) tăng từ 600 tấn vào năm 2016 lên gần 900 tấn trong 6 tháng đầu năm nay. NK cá ngừ thăn đông lạnh cũng tăng lên 4% (tương đương 560 tấn), đạt 13900 tấn. NK tăng từ 2 nhà XK hàng đầu là Indonesia (tăng 8%) và Việt Nam (tăng 15%), tuy nhiên NK từ Philippines giảm.

Nhật Bản

NK cá ngừ sashimi / cá ngừ nguyên con (cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng) vào Nhật Bản ở mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2017 do nhu cầu cá ngừ tươi bị giới hạn trong kỳ lễ mùa xuân vào tháng 4 và tháng 5/2017. NK cá ngừ vây xanh và mắt to đông lạnh cũng giảm so với năm ngoái với lý do tương tự.

Tuy nhiên, thị trường này tiếp tục có nhu cầu mạnh mẽ đối với cá ngừ thăn đông lạnh, trong đó NK tăng 15% trong nửa đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Về khối lượng, NK cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng NK cá ngừ thăn đông lạnh (chiếm 38%), tiếp đến là cá vây vàng (29%) và cá ngừ mắt to (25%). NK cá ngừ vây xanh thăn Đại Tây Dương vào Nhật Bản chủ yếu từ Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia và Tây Ban Nha. Đối với thăn cá ngừ chất lượng (thịt đỏ từ cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng), Hàn Quốc và Trung Quốc là những nhà cung cấp hàng đầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt Đài Loan và là nhà cung cấp lớn thứ hai trong XK cá ngừ thăn đông lạnh sang Nhật Bản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục