Đức thích cá ngừ đóng hộp

(vasep.com.vn) Đức không phải là nước có ngành khai thác, chế biến cá ngừ nên thị trường cá ngừ nước này phụ thuộc hoàn toàn vào NK. Và đây là một thị trường quan trọng đối với cá ngừ đóng hộp.

Trước kia, thị trường Đức thường ưa chuộng cá ngừ vằn và quan tâm đến vấn đề giá cả nhiều hơn vấn đề chất lượng sản phẩm. Nhưng 10 năm lại đây, thị trường này có vẻ “mở hơn” đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến chất lượng cao. Và người Đức đang chuyển sang ưa chuộng các sản phẩm cá ngừ vây vàng, do loài này có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường cá ngừ này vẫn nhạy cảm với giá. Hầu hết cá ngừ chế biến/đóng hộp được NK vào Đức, chỉ có một số ít được sản xuất trong nước.

Đối với cá ngừ tươi, sống và đông lạnh, Đức là thị trường dành cho philê/thăn cá ngừ, chứ không phải cá ngừ nguyên con. Các công ty chế biến cá ngừ của Đức chủ yếu NK cá ngừ nguyên liệu, như cá ngừ cắt miếng và cắt khúc, để sản xuất các sản phẩm cá ngừ. Tuy nhiên, lượng nguyên liệu Đức dùng để sản xuất trong nước không nhiều mà phần lớn là tái xuất sang các nước Đông Âu. Hầu hết 100% cá ngừ tươi và đông lạnh XK của Đức được xuất sang các nước Châu Âu, chủ yếu là Áo, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Italy.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 10 năm qua, NK cá ngừ vào Đức có xu hướng giảm, khối lượng NK cá ngừ giảm từ 84,6 nghìn tấn xuống còn 71 nghìn tấn. Trong đó, NK cá ngừ đóng hộp vào Đức luôn chiếm trên 97% tổng khối lượng NK cá ngừ của nước này, tiếp đến thăn/philê cá ngừ đông lạnh chiếm 1,9%.

Hiện Đức NK cá ngừ từ hơn 49 nước trên thế giới, bao gồm cả các nước trong nội khối EU. Trong đó, Papua New Guinea, Phlippines, Ecuador, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia  là 6 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này trong năm 2015. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 4, chiếm khoảng 9% tổng giá trị NK cá ngừ vào thị trường Đức.

Riêng đối với phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, Philippines, Papua New Guinea, Ecuador và Việt Nam là 4 nước XK cá ngừ chế biến và đóng hộp nhiều nhất cho thị trường Đức (tính theo khối lượng). Trong đó, Philippines chiếm tới hơn 18%, Papua New Guinea chiếm 17%, Ecuador chiếm 15,5% và Việt Nam chiếm 10%.

Tại đây, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Ecuador luôn có giá trung bình cao nhất, của Papua New Guinea đứng thứ 2, tiếp đến là Thái Lan và Philippines. Việt Nam luôn có có giá trung bình NK cá ngừ chế biến và đóng hộp thấp nhất. Tuy nhiên, do các sản phẩm của Việt Nam phải chịu thuế cao.

Năm 2016, Đức miễn thuế NK cá ngừ của Philippine và Ecuador theo Hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ cập mới (GSP+). Sang năm 2017, theo Hiệp định Thương mại giữa EU với Ecuador, các sản phẩm cá ngừ của nước này khi XK sang đây sẽ tiếp tục được duy trì mức thuế 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ của các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam sẽ tiếp tục chịu mức thuế cao 20,5%.

Điều này cho thấy cá ngừ của Việt Nam chủ yếu cạnh trang với các sản phẩm cùng loại đến từ Ecuador, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Việt Nam đang khó lòng cạnh tranh được với các nước. Nguyên nhân là do sản lượng đánh bắt, quy mô và năng lực sản xuất cá ngừ của các nước này hơn hẳn chúng ta. Ngoài ra, Việt Nam đang khó cạnh tranh được với Philippines và Ecuadore do họ được hưởng ưu đãi về thuế quan

Dự báo, Ecuador sẽ là nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Đức, đặc biệt nước này sẽ  thống trị phân khúc thị trường cá ngừ đóng gói/hộp hương vị và sản phẩm cá ngừ giá trị gia tăng. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bền vững tại Đức đang tăng nên NK cá ngừ được khai thác và chứng nhận bền vững tăng, đồng thời giảm NK từ các nước đang bị cảnh báo về IUU như Thái Lan. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục