Theo báo cáo mới nhất từ Danish Ship Finance (DSF), ngành vận tải container toàn cầu đang đứng trước giai đoạn khó khăn kéo dài khi các yếu tố bất lợi tiếp tục gia tăng. Giai đoạn 2020–2024 ghi nhận công suất đội tàu tăng tới 33% trong khi nhu cầu chỉ tăng 7,6%. Dù các tuyến vận chuyển dài hơn giúp nâng mức tăng trưởng nhu cầu lên 12,3%, sự mất cân đối cung – cầu vẫn khiến thị trường vận tải container trở nên căng thẳng.
Thêm vào đó, quyết định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về áp dụng giá carbon toàn cầu từ năm 2028 đã tạo áp lực mới về chi phí nhiên liệu sạch, buộc các hãng tàu phải đầu tư vào động cơ hai nhiên liệu (LNG). Dù hiện nay thị trường ghi nhận sự phục hồi tạm thời cả về nhu cầu và giá cước, nhưng các chuyên gia cảnh báo đây chỉ là hiệu ứng ngắn hạn. Công suất dư thừa, chi phí năng lượng và biến động chính sách vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép lên toàn ngành.
Trên tuyến xuyên Thái Bình Dương, phản ứng trước thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ mang tính cục bộ. Mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã được giảm từ 145% xuống còn 30% trong thời gian tạm hoãn 90 ngày, nhưng các hãng vận tải vẫn chưa ghi nhận sự bùng nổ trong lượng đặt chỗ. Theo Peter Sand, chuyên gia từ Xeneta, mức thuế 30% vẫn là rào cản lớn khiến khối lượng hàng hóa khó tăng mạnh. Darron Wadey từ Dynamar nhận định phải mất ít nhất bốn tuần để nhu cầu thực sự phục hồi, trong khi các cảng chính như Los Angeles và Long Beach vẫn dự báo giảm 15% lượng hàng.

Tuy vậy, giá cước trên tuyến này đã tăng mạnh khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy nhanh việc dự trữ hàng hóa phục vụ mùa lễ hội cuối năm trước khi lệnh ngừng áp thuế kết thúc. Các hãng tàu ghi nhận mức tăng đặt chỗ từ 35% đến 280%, còn giá cước từ Trung Quốc sang bờ Tây và bờ Đông Mỹ tăng lần lượt hơn 30% và 20%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là tín hiệu phục hồi bền vững, mà chỉ là phản ứng nhất thời trong bối cảnh bất ổn được xem là “bình thường mới”.
Ở phía kênh đào Suez, Ai Cập đã công bố giảm 15% phí quá cảnh trong ba tháng tới nhằm thu hút các tàu container quay lại tuyến vận chuyển truyền thống này. Động thái diễn ra sau khi tình hình an ninh tại Biển Đỏ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, các hãng tàu lớn vẫn thận trọng, cho rằng còn quá sớm để nối lại hành trình qua khu vực vốn bị gián đoạn do các cuộc tấn công vào tàu thương mại trong khu vực.
Dù vậy, chỉ số giá cước tổng hợp WCI của Drewry trong tuần qua đã tăng 8% lên mức 2.233 USD/FEU – cao hơn 57% so với mức trung bình trước đại dịch, nhưng vẫn thấp hơn 78% so với đỉnh điểm năm 2021. Giá cước từ Shanghai đi New York tăng mạnh nhất (19%) lên 4.350 USD/FEU, tiếp theo là tuyến Shanghai – Los Angeles (tăng 16%) lên 3.136 USD/FEU. Trong khi đó, giá từ New York đi Rotterdam và một số tuyến châu Âu ghi nhận biến động nhẹ hoặc đi ngang. Drewry dự báo giá cước xuyên Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu hụt năng lực vận tải.
Tổng thể, bức tranh ngành vận tải container hiện tại cho thấy sự phục hồi chỉ mang tính kỹ thuật, trong khi những yếu tố nền tảng như công suất dư thừa, chi phí nhiên liệu và biến động thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn cho một giai đoạn khó khăn kéo dài.