Ngành Thủy sản nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu trong năm 2022

Năm 2022, ngành Thủy sản được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong năm đòi hỏi ngành cần tập trung cho công tác nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác,…

Cơ hội đan xen thách thức

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, ngành Thủy sản sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển. Trong đó, có thể kể đến kinh tế thế giới dự báo sẽ có tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vắc xin cho toàn dân được thực hiện. Bên cạnh đó là lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định CPTTP và EVFTA. Đồng thời, các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đã được triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; các khó khăn, bất cập trong quy định pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Dù vậy, năm 2022, cùng với những thuận lợi, ngành Thủy cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đan xen. Đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng,…

Trước bối cảnh trên, trong năm 2022, toàn ngành Thủy sản đề ra mục tiêu phấn đấu  diện tích nuôi trồng thủy sản cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2021 với tổng diện tích 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha).

Về tổng sản lượng thủy sản, khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn, bằng 96,4%; sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn, bằng 103%. Điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Với các sản phẩm chủ lực, phấn đấu sản lượng cá tra đạt 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến phấn đấu đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với năm 2021.

Tập trung phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết, toàn ngành sẽ tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; đề án cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh,…

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Mặt khác, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Để hoạt động nuôi trồng hiệu quả, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Trong đó, coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vật tư thủy sản, giống thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thuỷ sản, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với hoạt động nuôi trồng, trên lĩnh vực khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để có chỉ đạo kịp thời; huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân, hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

Ngoài ra, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…) có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác như: Nhật Bản, Thái Lan, Philippines,… Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động đàm phán, thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước trong khu vực và quốc tế trong hợp tác nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi thủy sản,.../.

(Theo dangcongsan.vn)

Theo nhận định của chuyên gia, sản phẩm tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới. Để có cái nhìn tổng thể về ngành tôm Việt Nam theo chuỗi 5 năm, 2016-2021 và dự báo xu hướng sản xuất, xuất khẩu trong những năm tới, xin mời Quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm, 2016-2021, dự báo tới năm 2025. 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục