(vasep.com.vn) Năm 2024, xuất khẩu (XK) cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU sau khi tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm đã liên tục sụt giảm trong những tháng cuối năm. Tính riêng trong quý 4/2024, XK cá ngừ đóng hộp của ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 17 triệu USD. Tính cả năm 2024, kim ngạch XK cá ngừ đóng hộp sang EU đạt gần 74 triệu USD, tăng 4% so với năm 2023.
Đức dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ hộp
Hiện Đức, Hà Lan, Ba Lan, Italy và Rumania lần lượt là 5 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong năm 2024, chiếm 70% tổng giá trị XK.
Những năm qua, Đức luôn là thị trường XK cá ngừ đóng hộp hàng đầu của Việt Nam tại khối thị trường này. Đây cũng là thị trường luôn có đơn hàng XK đều đặn qua từng tháng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ tăng trường XK cá ngừ đóng hộp sang thị trường này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế,… có xu hướng chậm lại.
Trái lại, XK sang Ba Lan lại có xu hướng tăng trưởng cao, mặc dù các đơn hàng XK sang thị trường này vẫn chưa được đều đặn. Tính riêng trong năm 2024, giá trị XK cá ngừ đóng hộp sang Ba Lan tăng 48%, đạt hơn 6 triệu USD.
Trong khi đó, XK cá ngừ đóng hộp sang Hà Lan và Italy lại có xu hướng sụt giảm. Năm 2024, XK sang 2 thị trường này giảm lần lượt là 2% và 13%. Các đơn hàng XK sang Hà Lan và Italy trong năm qua cũng không đều.

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU gặp nhiều khó khăn
Theo phản ánh của các Doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới xu hướng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU trong năm 2024 là thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý (được đánh bắt bởi đội tàu trong nước).
Kể từ sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 19/5/2024, với quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác (biện pháp quản lý) chưa phù hợp đối với các loài hải sản, trong đó có cá ngừ vằn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, gia tăng thêm các gánh nặng kinh tế cho chuỗi sản xuất liên quan.
Nhiều lô nguyên liệu của ngư dân khai thác ở các tỉnh liên quan đến “quy định” kể trên trong thời gian qua đang ở trạng thái “treo” và “ách tắc”, nằm trong kho và không thể XK được khi các cảng cá, các chi cục không thể cấp các giấy tờ S/C, C/C. Nhiều đơn hàng, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, XK sang các thị trường DN đã phải "bỏ lỡ”, một số hợp đồng đã ký thì khách hàng đang yêu cầu dừng hoặc phạt hợp đồng. Ngư dân khai thác các loài kể trên gặp nhiều khó khăn khi “đầu mua” không “dám” mua, bị đình trệ, một số đã không thể đi biển thường xuyên như kế hoạch.
Các đơn hàng XK phải sử dụng nguyên liệu NK thì không được hưởng ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (gọi tắt là EVFTA). Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại khối thị trường EU.
Bên cạnh đó, danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam tại Phụ lục IV của Nghị định 37/2024/NĐ-CP chưa được rõ ràng đang dẫn đến các hiểu nhầm không đáng có trong công tác thực thi của một số cơ quan/tổ chức chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Hiện bước sang năm 2025, mặc dù hạn ngạch ưu đãi thuế quan dành cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU đã được khởi động lại, nhưng các đơn hàng XK của Việt Nam vẫn đang bị kìm hãm do những vấn đề nêu trên. Do đó, cộng đồng các DN XK cá ngừ đóng hộp đang rất mong chờ Chính phủ sớm có Nghị định sửa đổi bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy XK sang khối thị trường EU.