Nhấn mạnh quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn cán bộ, công chức, viên chức của hai bộ đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao.
Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường được tổ chức chiều 19/2 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.
Bắt đầu hoạt động từ 1/3
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ mới thành lập sẽ bắt đầu hoạt động từ 1/3 theo nghị quyết của Quốc hội. Từ thời điểm đó, các Bộ trưởng sẽ đảm nhận vai trò theo nhiệm vụ được giao.
Việc hợp nhất này, theo ông Duy, không chỉ đơn giản là một sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả công việc của cả hai bộ. Việc hợp nhất sẽ giúp nâng cao tính hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp - hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (Ảnh: Đình Trung).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên đất, nước cho đến kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.
Nhấn mạnh quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, Bộ trưởng Duy mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức của hai bộ đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao. Thậm chí phải có sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của ngành và đất nước.
Ông yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm và nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.
Vụ Tổ chức cán bộ được giao phối hợp với đơn vị liên quan, đặc biệt là Văn phòng Đảng ủy Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ để ra quyết định thành lập Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chỉ định các chức danh trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra của Đảng bộ.
Dự kiến, Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 22-23/2 để triển khai công tác cán bộ và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Số lượng đơn vị, cán bộ phải sắp xếp rất lớn
Một nội dung quan trọng trong đề án hợp nhất hai bộ là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nông nghiệp và Môi trường có số lượng đơn vị sự nghiệp rất lớn phải tổ chức lại theo một mô hình tinh gọn, hiệu quả.
Mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước lớn như đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y sẽ có ba loại đơn vị sự nghiệp: Đơn vị nghiên cứu khoa học (viện nghiên cứu), đơn vị đào tạo nhân lực (trường đại học, học viện, trường cao đẳng) và đơn vị sự nghiệp kinh tế (trung tâm dịch vụ công).
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý, các đơn vị này phải hoạt động theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường chiều 19/2 (Ảnh: Đình Trung).
Với các đơn vị sự nghiệp kinh tế, ông Duy nói sẽ được khuyến khích tự chủ tài chính, tự chủ về chi thường xuyên với mục tiêu giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị công lập và các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Vụ Tổ chức cán bộ được giao xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định phân công công tác đối với lãnh đạo bộ, xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn về sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc bộ. Tất cả các phương án phải được hoàn thiện và trình phê duyệt trước ngày 1/3, theo yêu cầu của ông Duy.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, các phương án sắp xếp cán bộ đã được đề xuất rõ ràng, với 3 khả năng chính: Giữ nguyên chức vụ hiện tại sau khi hợp nhất, điều động sang đơn vị khác nếu phù hợp hơn với năng lực, yêu cầu hoặc chuyển sang làm cấp phó của đơn vị mới sau khi hợp nhất.
Đối với các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, các phương án đều được thiết kế đảm bảo công bằng và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục đóng góp, phát triển sự nghiệp tại các vị trí mới.
Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh phương án sắp xếp cán bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ. Mọi quyết định cuối cùng sẽ được thông qua bởi Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, theo các tiêu chí và yêu cầu công tác của bộ.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến khích cán bộ tự nguyện nghỉ hưu sớm, đi kèm với các chính sách khen thưởng xứng đáng, bằng khen hoặc huân chương lao động tùy theo thời gian công tác, đóng góp thực tế.
Vụ Kế hoạch và Tài chính của hai bộ được giao tham mưu văn bản hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện rà soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, tài chính công.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc hợp nhất hai bộ không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững mà còn giúp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường một cách hài hòa.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Nghị quyết số 1533 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được tăng thêm 5 thứ trưởng để tổng số thứ trưởng không quá 10. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường là ông Đỗ Đức Duy. Trước khi sáp nhập, thứ trưởng của hai bộ này gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Phùng Đức Tiến, Trần Thanh Nam, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Quốc Trị, Hoàng Trung (Bộ NN&PTNT).
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ cấu tổ chức của bộ này gồm 30 đầu mối (được sắp xếp, tổ chức lại từ 26 đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và 27 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNN).
Đây là một trong những bộ tinh giản đầu mối nhiều nhất.
Trụ sở chính của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây, số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Nguồn: Dân trí