Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1846/QĐ-TTg (26/9/2016) về việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt và chọn ngày 10/11 hàng năm là ngày văn hóa doanh nghiệp Việt. Mãi đến năm 2018 Thủ tướng mới có quyết định số 248/QĐ-TTg (28/2/2018) thành lập Ban Tổ chức triển khai thực hiện nội dung trên. Ngày 18/4/2019 Ban Tổ chức đã có cuộc họp ở Cần Thơ triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ. VASEP là một thành viên trong Ban Tổ chức này.

Đây không phải là chuyện mới mẻ gì. Khu vực, quốc gia, dân tộc, tổ chức... đều có văn hoá riêng, hình thành song hành quá trình tồn tại và phát triển của mình. Nếu không chăm lo gìn giữ, xây dựng... văn hoá riêng nói trên sẽ phát triển lệch lạc, không tạo ra nguồn cảm hứng, động lực cho từng cá nhân, ngược lại sẽ là lực cản cho sự phát triển.

Có nhiều cách định nghĩa văn hoá. Ở đây, chấp nhận tiền đề, văn hoá là những cách thức, suy nghĩ mà các thành viên trong tổ chức chia sẻ, các thành viên mới tiếp nhận nếu muốn sớm hoà nhập vào tổ chức đó. Nói cách khác văn hoá là cách thức công việc trong tổ chức  được thực hiện. Nói gọn hơn văn hoá là những giá trị hữu hình và vô hình của tổ chức đó. Nhìn nhận văn hoá của tổ chức, có thể từ ngoài vào trong. Bên ngoài là phần vỏ. Đó là nét nhận dạng tổ chức, là những biểu hiện bên ngoài dễ tiếp cận, nhìn nhận. Từ nét kiến trúc, logo, đồng phục, màu sắc... cho đến trang web, danh thiếp, tiêu đề... đều được coi như phần vỏ. Còn có cách gọi đó là một nét nhỏ nhận diện doanh nghiệp.

Phần cơm, bên trong, là những quy tắc ứng xử, quy chế... trong nội bộ và ra bên ngoài. Sâu nhất, phần lõi, quan trọng nhất, là sự giao thoa của hai phần trên qua sự suy nghĩ, chuyển nhận thức ra hành động của các thành viên tạo ra những giá trị riêng của tổ chức đó. Giá trị đó được các thành viên tạo ra, hình thành đôi khi ngoài sự chủ quan từng người, được các thành viên chia sẻ và tạo nên những giá trị khó định lượng như những quy ước bất thành văn, niềm tin, thậm chí là những điều cấm kỵ. Văn hoá tổ chức bị tác động bởi ý chí người lãnh đạo tổ chức đó, kế tiếp ảnh hưởng bởi ngành nghề và văn hoá dân tộc.

Từ những nội dung trên, sẽ thấy vai trò vô cùng lớn lao của lãnh đạo trong các doanh nghiệp. Người lãnh đạo có ý thức xây dựng văn hoá cho doanh nghiệp từ đầu và có hướng phù hợp, đúng hướng sẽ tác động hết sức to lớn để tăng thêm sức mạnh, phát triển đúng hướng và tồn tại bền vững. Thuỷ sản là ngành bị lệ thuộc thiên nhiên. Chế biến thuỷ sản đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm mức cao nhất. Hai yếu tố thuộc nghề nghiệp này tác động khiến việc xây dựng văn hoá trong doanh nghiệp thuỷ sản không thể quá thiên nặng về tốc độ tăng trưởng, nên coi trọng sự an toàn; không nên quá nặng lợi ích trước mắt, phải lấy sự ổn định, bền vững lâu dài trong tầm hạn quản trị làm trọng... Những điều này khác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ... bởi những ngành nghề vừa nêu coi trọng tốc độ phát triển... coi đó là cơ hội, sự thành bại... Cái nhìn chung là vậy, tuy nhiên tuỳ hoàn cảnh, doanh nghiệp thuỷ sản nào có khả năng, có điều kiện tốt vẫn có thể tận dụng cơ hội bức phá cho mình.

Trong quá trình hội nhập sau khi mở cửa, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp. Biểu hiện nhất là tư tưởng bóc ngắn cắn dài, làm ăn chụp giật, không coi trọng chữ tín trong kinh doanh đã xảy ra trong quảng thời gian không phải là ngắn. Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, khó có chỗ tồn tại cho doanh nghiệp có suy nghĩ như vậy. Quyết định từ Thủ tướng có ý nghĩa trên tình hình này nhằm kịp thời vực dậy các doanh nghiệp làm ăn lệch lạc và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt mạnh mẽ hơn. Nội dung xây dựng văn hoá doanh nhiệp không phải lớn lao gì, không phải là chuyện quá khó khăn, nhưng tuỳ thuộc không nhỏ vào cái tâm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cao nhất, đó là xoay quanh xây dựng được ý thức trách nhiệm cao nhất với người tiêu dùng, với cộng đồng xã hội, nhất là chú trọng môi trường. Tiếp theo là ý thức chăm lo, chia sẻ trong nội bộ và ra bên ngoài. Thấp nhất cũng là ý thức coi trọng tiết kiệm việc sử dụng các nguồn lực trong xã hội. Nói gọn, cốt lõi là cách thức làm sao thúc đẩy doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững… thuận theo bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản hình thành mới song song nhiều doanh nghiệp lụi tàn. Nhiều yếu tố tạo ra hoàn cảnh như vậy. Nhưng nếu ý thức xây dựng văn hoá riêng, đúng hướng từ đầu sẽ góp phần tăng sức mạnh, bản lĩnh cho doanh nghiệp đó. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp trở thành giải pháp căn cơ nhất để đạt kết quả tốt nhất trong việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và các mục tiêu của doanh nghiệp đồng thời sẽ tạo ra các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp... Rất mong sự quan tâm đúng mực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuỷ sản để cộng đồng ngày một mạnh mẽ hơn.

TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia