Dự thảo đề cương Luật việc làm (sửa đổi): Một số quy định chưa phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tiễn tại doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Dự thảo đề cương chi tiết luật việc làm sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) đã được đăng tải trên website của chính phủ để lấy ý kiến. Tuy nhiên, Dự thảo có một số quy định còn bất cập, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh

Dự thảo đưa ra quy định yêu cầu phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (CCKNNQG) trong các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của người lao động và cộng đồng; chính sách ưu tiên đối với những người lao động (NLĐ) đã được cấp CCKNNQG cho thấy sự không phù hợp với Hiến pháp, Bộ Luật Lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật Doanh nghiệp.

Theo Hiến pháp nước CHXHCNVN và BLLĐ 2019 (BLLĐ), NLĐ dựa trên trình độ kỹ năng của mình có thể tự do xin việc tại bất cứ doanh nghiệp (DN) nào mà không phải mất chi phí học nghề để đạt CCKNNQG thì mới được đi làm, ngoại trừ những công việc đòi hỏi chuyên môn sâu như y dược, luật sư, kiểm toán, thiết kế… và NLĐ đang làm tốt công việc của mình, được quyền duy trì công việc mà không phải bổ sung CCKNNQG mới tiếp tục được làm việc.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có quy định rõ về trách nhiệm của DN chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục quy định.

Theo Luật Doanh nghiệp, DN có quyền tự chủ trong kinh doanh, tuyển dụng, sử dụng và đào tạo lao động theo nhu cầu của mình.

Tuy nhiên, Dự thảo lại quy định yêu cầu phải sử dụng lao động có CCKNNQG trong các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của người lao động và cộng đồng. Quy định công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe là quá chung chung vì công việc nào cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và thế nào là ảnh hưởng tới an toàn và sức khỏe thì cần phải được nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời tham khảo các nước trên thế giới thì mới đưa ra được danh mục công việc. Điều này cho thấy sự không phù hợp với Hiến pháp và BLLĐ, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật doanh nghiệp, tước đi quyền tự do lựa chọn việc làm, quyền duy trì việc làm khi đang làm việc tại DN và quyền tự chủ của DN trong tuyển dụng, sử dụng và đào tạo lao động

Về yêu cầu có chính sách ưu tiên đối với những người lao động (NLĐ) đã được cấp CCKNNQG. Theo BLLĐ 2019, DN phải đối xử công bằng với NLĐ, không có trường hợp thiên vị hay ưu tiên đối với NLĐ có CCKNNQG. Tuy nhiên Dự thảo lại yêu cầu chính sách ưu tiên đối với những người lao động đã được cấp CCKNNQG là cho thấy sự không phù hợp với BLLĐ.

Tình hình thực tiễn tại DN cho thấy, các DN đều thực hiện đào tạo NLĐ đến khi đạt được trình độ theo yêu cầu của DN trước khi làm công việc liên quan mà không cần có CCKNNQG, đồng thời có bộ phận giám sát kiểm tra trong quá trình làm việc nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ đúng theo quy định, hướng dẫn của DN và tuân theo luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), và có thanh kiểm tra định kỳ các cơ quan chức năng về ATVSLĐ như quan trắc môi trường lao động an toàn bức xạ, hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp…

Mỗi DN tuyển dụng, bố trí công việc và trả lương cho NLĐ dựa trên trình độ, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc thực tế và tiêu chí của DN để làm sao cho hiệu quả nhất mà không cần phải có CCKNNQG.

CCKNNQG này bị hạn chế bởi 1 số ngành nghề, chưa đáp ứng được đầy đủ các vị trí công việc mà Doanh nghiệp yêu cầu, hơn nữa xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng có nhiều công việc mới trong DN.

Chất lượng đào tạo tại các trường nghề chưa phù hợp với đặc thù sản xuất của DN, việc yêu cầu bắt buộc sử dụng lao động có CCKNNQG là chưa phù hợp với thực tế sản xuất tại các DN, gây lãng phí cho cả DN và toàn xã hội.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xây dựng mô hình về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo để phát triển kỹ năng cho NLĐ nhưng không quy định bắt buộc về việc DN tuyển/sử dụng lao động có CCKNNQG và chính sách ưu tiên đối với lao động có chứng chỉ này.

Vì vậy quy định trên tại Dự thảo đưa ra không phù hợp với pháp luật hiện hành, pháp luật quốc tế và thực tiễn tại Doanh nghiệp. Do đó cần bỏ quy định này hoặc nếu có thì cần phải có tiêu chí thật rõ ràng cho những công việc nào ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn đến phần lớn cộng đồng.

Một số quy định nữa chưa phù hợp trong Dự thảo đó là đối tượng NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên, người quản lý DN là đi ngược với BLLĐ và thực tế của DN.

Dự thảo quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động cũng gây chồng chéo về thủ tục.

Dự thảo đưa ra nhiều khoản chi phí bảo hiểm thất nghiệp chi sai mục đích. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được sử dụng được lập lên với mục đích bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm. Việc sử dụng tiền đóng góp từ NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) để chi cho việc quản lý hành chính: tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, thanh tra, kiểm soát, mua sắm tài sản ....sẽ dẫn đến dẫn đến hao hụt nguồn đóng góp của NLĐ và NSDLĐ một cách vô lý, gây lãng phí và sai với mục đích đóng góp ban đầu - bù đắp, hỗ trợ cho NLĐ.

Cộng đồng DN mong các quý Cơ quan xem xét, cân nhắc điều chỉnh và bổ sung mới để Dự thảo được ban hành không những phù hợp với thực tế của DN, mà còn là động lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Công văn 23/CV-VASEP

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM