Vì sao tôm Việt Nam chế biến luôn dẫn đầu 'đường đua' xuất khẩu?

Mới đây, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm nửa năm 2024 tăng trưởng cao, trong đó tôm chế biến sâu đang có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc…

Vì sao tôm Việt Nam chế biến luôn dẫn đầu đường đua xuất khẩu

 

Ngày 24-7, Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, doanh nghiệp thủy sản ở Hải Phòng, về tôm chế biến, hàng giá trị gia tăng của các nước và Việt Nam.

"Gần đây các nước đều đã bắt đầu tham gia cuộc đua chế biến tôm. Chẳng hạn Ecuador có dây chuyền sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng khoảng 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Còn Ấn Độ cũng thế, có chiến lược đầu tư chế biến sâu làm "vũ khí".

Ecuador và Ấn Độ đang có giá thành tôm nguyên liệu rất rẻ, chưa kể vị trí địa lý cũng gần với những thị trường chính như EU và Mỹ. 

Thậm chí, Trung Quốc có tới 1.000 nhà máy chế biến tôm, từ nhập khẩu tôm nguyên liệu để phục vụ nội địa nhưng tôm sú luộc Việt Nam Trung Quốc mua nhiều", ông Phúc nhìn nhận tình hình.

Đánh giá riêng tôm Việt có chỗ đứng ở nhiều thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh, Mỹ, EU..., ông Phúc lý giải: 

"Tôm Việt chế biến rất phong phú; trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt được các thị trường ngoại đánh giá cao, là một lợi thế cạnh tranh lớn".

Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...

Trước đó, "vua tôm" Lê Văn Quang - chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cũng thừa nhận Việt Nam chế biến nhiều hàng giá trị gia tăng mà Ecuador và Ấn Độ không chế biến được, hoặc chế biến được ít nên tôm Việt chế biến có thế mạnh.

Trong khi đó, một lãnh đạo ở VASEP cho rằng Ấn Độ và Ecuador nếu có ý định xuất khẩu tôm chế biến sang các thị trường, có thể phải mất 5 - 10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm Việt hiện nay.

"Đặc biệt, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Chưa kể người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý", vị này nói.

Hiện nay sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hằng năm. 

Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

( Theo tuoitre.vn

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm