Ngành tôm đối diện nhiều thách thức: [Bài 1] Khó thuyết phục khách hàng vì giá vẫn cao

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe: 'Giá xuất khẩu tôm Ấn Độ luôn thấp hơn tôm Việt Nam trung bình 10 - 15%, trong khi tôm Ecuador thấp hơn trung bình 30 - 35%'.

LTS: Ngành tôm tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, ngành này hiện đang đứng trước nhiều thách thức lớn cần được nhìn nhận và giải quyết kịp thời. Làm thế nào để tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành tôm, nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế?

Khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,3 tỷ USD.

Sự tăng trưởng này là nhờ sự đột phá xuất khẩu sang một số thị trường chính như: Trung Quốc đạt gần 260 triệu USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ đạt gần 229 triệu USD, tăng 0,6%; EU đạt hơn 165 triệu USD, tăng 7,8% và nhiều thị trường khác như: Anh tăng 11,2%, Canada tăng 52,5%, Nga tăng 328,7%...

Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng khác vẫn sụt giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt gần 134 triệu USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Nhật Bản chỉ đạt hơn 183 triệu USD, giảm 4,3%...

Top 5 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024.

Top 5 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng chi phối, chiếm gần 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, với giá trị đạt gần 931 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú giảm 10,8%, đạt gần 159 triệu USD và chỉ chiếm 12,2% giá trị xuất khẩu tôm.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá: “Mặc dù ngành tôm đang có sự tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2024, tuy nhiên điều này chưa đánh giá đúng thực tế tình hình của ngành tôm hiện nay. Chưa bao giờ ngành tôm Việt Nam phải đối mặt với khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…".

Thuận lợi song hành thách thức

Nói về những thuận lợi, thách thức của ngành tôm Việt Nam trong năm 2024, ông Hòe phân tích, ngành tôm Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với tôm từ Ấn Độ, Ecuador ở phân khúc hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu, đây là thế mạnh của tôm Việt Nam.

Ông Hòe cho hay, nắm bắt được những thế mạnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã có kế hoạch phù hợp để tận dụng hết cơ hội, phát huy năng lực nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng trong thời gian tới.

"Bên cạnh đó, tôm Việt Nam cũng có thêm cơ hội tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu, đặc biệt tại thị trường Mỹ đã tăng cường kiểm soát tôm từ Ấn Độ và Ecuador về các vấn đề lao động, môi trường và an toàn thực phẩm…", ông Hòe cho biết thêm.

Tuy nhiên cũng theo ông Hòe, xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài; khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường.

Mới đây nhất là sự bất ổn chính trị tai khu vực Trung Đông đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 và tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024.

Ngoài ra, các rào cản thương mại như: Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Mỹ; quy định về quota tại Hàn Quốc… cũng là những nguyên nhân quan trong tác động trực tiếp đến xuất khẩu tôm nước ta.

“Sản xuất nguyên liệu trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như: Nắng nóng kéo dài, tình hình xâm nhập mặn, nguồn nước ô nhiễm nặng; chi phí đầu vào tăng cao; nguồn giống kém chất lượng…, dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng gặp nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh xuất hiện, năng suất nuôi kém, giá thành cao. Khả năng nguồn nguyên liệu sẽ bị thiếu hụt trầm trọng và kéo dài đến những tháng cuối năm”, ông Hòe dự báo.

Cạnh tranh gay gắt với tôm từ Ấn Độ, Ecuador về giá

Ông Hòe cho biết, trong 2 năm gần đây, xuất khẩu tôm Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ và Ecuador, đặc biệt là cạnh tranh về giá.

“Giá xuất khẩu tôm Ấn Độ luôn thấp hơn tôm Việt Nam trung bình 10 - 15%, trong khị tôm từ Ecuador có giá thấp hơn trung bình 30 - 35%. Đây là sự chệnh lệch rất lớn về giá và rất khó để thuyết phục khách hàng mua tôm Việt Nam khi cùng một sản phẩm tương tự”, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh.

Theo ông Hòe, việc giá thành tôm Việt Nam đang cao hơn các nước do một số nguyên nhân như: Chi phí đầu vào cao hơn, hiệu quả nuôi thấp, quy mô nuôi nhỏ lẻ… Tất cả những yếu tố này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam.

Ngành tôm Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với tôm từ Ấn Độ, Ecuador ở phân khúc hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu, đây là thế mạnh của tôm Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngành tôm Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với tôm từ Ấn Độ, Ecuador ở phân khúc hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu, đây là thế mạnh của tôm Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Thủy sản SA-BIO cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhất trong ngành sản xuất tôm thương phẩm cung cấp cho thị trường thế giới. Tuy nhiên giá thành sản xuất tôm của nước ta thường được cho là cao hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như:

Chất lượng tôm giống chưa được quản lý chặt chẽ, một lượng lớn tôm giống kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường và đến tay người nuôi nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát, dẫn đến tỷ lệ chết cao, buộc người nuôi phải thả giống nhiều lần khiến chi phí tăng cao.

Thức ăn cho tôm ở Việt Nam thường cao hơn so với các với các nước khác do nguyên liệu đầu vào tăng cao, hơn nữa người nuôi thường mua nợ nên chi phí thức ăn cũng đội lên đáng kể.

Dịch bệnh thường xuyên bùng phát với nhiều bệnh mới ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn như: TPD (bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm), EHP (bệnh vi bào tử trùng), IMNV (bệnh hoại tử cơ), IHHNV (bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô)… khiến người nuôi tôm phải tốn nhiều chi phí cho việc phòng ngừa và điều trị.

Môi trường nuôi ngày càng suy thoái, rủi ro ngày càng tăng cao, tỷ lệ thành công thấp, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến tăng chi phí trong quá trình sản xuất nên giá thành tăng cao.

Chi phí lao động ở Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong các khu vực nuôi tôm quy mô lớn. Chi phí năng lượng trong việc vận hành các hệ thống nuôi, các hệ thống xử lý nước, hệ thống sục khí và các thiết bị khác tăng cao cũng góp phần làm tăng giá thành.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, người nuôi tôm cần đầu tư vào các công nghệ mới, hệ thống quản lý khép kín và cơ sở hạ tầng hiện đại, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Thiếu các công nghệ tiên tiến và hạ tầng chưa hoàn thiện cũng khiến chi phí bảo trì và vận hành cao hơn.

“Ngoài ra, các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và quản lý dịch bệnh ngày càng khắt khe, đòi hỏi người nuôi tôm phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn, kéo theo chi phí sản xuất tăng”, ông Sỹ phân tích thêm.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm